Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Kiên quyết xử lý phế liệu tồn đọng

Theo baohaiquan.vn

Sau khi phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát, ngăn chặn phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu về cảng Cát Lái, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang rốt ráo kiểm tra để xử lý hàng ngàn container phế liệu tồn tại cảng.

Phế liệu tồn đọng chủ yếu là phế liệu nhựa. Nguồn: PV.
Phế liệu tồn đọng chủ yếu là phế liệu nhựa. Nguồn: PV.

Đã kiểm tra gần 100 container

Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đang thực hiện kiểm tra thực tế hơn 500 container phế liệu tồn đọng nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Số phế liệu này nằm trong số hơn 2.500 container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái đang được xử lý.
Ngày 30/10, dưới sự chứng kiến của đại diện hãng tàu vận chuyển, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I bắt đầu thực hiện mở kiểm tra các container phế liệu tồn đọng. Sau 4 ngày kiểm tra, hội đồng xử lý hàng tồn đọng đã kiểm kê được gần 100 container. Qua kiểm tra bước đầu, phế liệu chứa trong các container chủ yếu là phế liệu nhựa, ống nhựa, chai lọ nhựa… được đóng thành bành. Theo quan sát của phóng viên, bên cạnh những container phế liệu nhựa đóng bành nhìn bằng mắt thường có vẻ sạch sẽ, cũng có một số container phế liệu lẫn nhiều tạp chất, bốc mùi hôi…
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực I, trong quá trình mở kiểm tra, Hội đồng sẽ thực hiện kiểm kê, phân loại phế liệu, sau đó sẽ trưng cầu giám định từng loại để có căn cứ xử lý. Đối với phế liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu sẽ thực hiện bán thanh lý; phế thải, phế liệu không đạt tiêu chuẩn, chất lượng sẽ buộc các hãng tàu vận chuyển đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định.
Được biết, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực I đã thực hiện thống kê, quản lý 2.781 container chứa phế liệu tồn đọng quá 90 ngày nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Trong đó, 2.679 container là phế liệu nhựa, 33 container phế liệu kim loại và 6 container là hàng phế liệu khác. Trong đó, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực I đã rà soát và đăng thông tin tìm chủ hàng đối với 2.514 container.
Tuy nhiên, quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng báo có khoảng 600 container hàng tồn đọng (trong đó phần lớn là phế liệu) có doanh nghiệp liên hệ làm thủ tục nhận hàng. Số còn lại sẽ được Hội đồng xử lý hàng tồn đọng đã thực hiện xử lý số phế liệu trên theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính. Theo kế hoạch, Hội đồng xử lý hàng tồn đọng sẽ thực hiện mở kiểm tra toàn bộ phế liệu tồn đọng theo hình thức cuốn chiếu thành nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 200 container.
Kiểm soát chặt phế liệu NK
Theo tìm hiểu của phóng viên, số phế liệu tồn đọng nêu trên được nhập khẩu về cảng Cát Lái trong những tháng đầu năm 2018, nhưng không có người nhận. Trong đó, có một số DN nhập khẩu đến vài trăm container nhưng từ chối nhận hàng. Cục Hải quan TPHCM đã phối hợp với DN kinh doanh cảng triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ số phế liệu này. Cùng với đó, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan TPHCM về kiểm soát phế liệu nhập khẩu.
Từ khi Tổng cục Hải quan có Công văn số 4202/TCHQ-PC hướng dẫn nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó quy định DN nhập khẩu phế liệu phải khai báo đầy đủ thông tin, việc nhập khẩu phế liệu về cảng được đảm bảo chặt chẽ, hạn chế phế liệu không có giấy phép, không có người nhận về cảng Cát Lái. Theo đó, trên manifest hàng nhập khẩu phải thể hiện đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...); về hàng hóa (loại phế liệu, mã HS tối thiểu 4 số...). Với quy định này, những lô hàng nào cập cảng đầy đủ thông tin nêu trên mới được bốc dỡ hàng lên cảng.
Ông Lương Đức Gia, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, từ tháng 6/2018 đến nay, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn không tiếp nhận mặt hàng phế liệu nhựa về 2 cảng Cát Lái và Hiệp Phước, tuy nhiên, mặt hàng giấy phế liệu vẫn tiếp nhận bình thường. Hiện nay, phế liệu giấy vẫn tiếp tục nhập khẩu về cảng Cát Lái, mỗi tuần trung bình khoảng gần 100 container, được kiểm soát chặt chẽ trước khi thông quan.
Cùng với việc rốt ráo xử lý phế liệu tồn đọng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đang triển khai chuyên án đấu tranh, ngăn chặn phế liệu. Bước đầu, Chi cục đã kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng, biến tướng trong việc khai báo tên hàng để đưa phế liệu không đạt tiêu chuẩn về cảng. Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã phát hiện, ngăn chặn 25 container phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái, nhưng DN khai báo hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Hiện chuyên án vẫn đang được Chi cục tiếp tục mở rộng điều tra.