Hải quan TP.Hồ Chí Minh: Triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu những tháng cuối năm

Theo baohaiquan.vn

Trong thời gian gần đây, các đơn vị Hải quan thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ gian lận thuế và nhiều vụ vận chuyển ma túy trái phép.

Thuốc lắc do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện cuối tháng 6/2018. Nguồn: PV.
Thuốc lắc do Cục Hải quan TP.HCM phát hiện cuối tháng 6/2018. Nguồn: PV.
Điển hình, cuối tháng 8/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH P.L. (quận 11- TP.HCM) trên 281 triệu đồng, đồng thời truy thu hơn 1,4 tỷ đồng tiền thuế đối với mặt hàng kính nổi màu, Công ty này đã mở 6 tờ khai nhập khẩu mặt hàng kính nổi màu trị giá gần 3,2 tỷ đồng. Qua kiểm tra hồ sơ, cơ quan Hải quan phát hiện DN khai báo sai mã số, thuế suất dẫn đến thiếu số thuế phải nộp nên đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt DN.

Trong 9 tháng năm 2018, Cục Hải quan TP.HCM đã lập biên bản 950 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng vi phạm trên gần 350  tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm giảm gần 20%, nhưng trị giá tăng hơn 60%. Trong đó, có 12 vụ buôn lậu; trên 160 vụ gian lận thương mại.

Trước đó, ngày 23/8/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH L.M.T.T (đường Lương Định Của, phường Bình An, quận 2, TP.HCM) về hành vi khai sai chủng loại, sai mã số hàng hóa, thuế suất dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp của lô hàng 11.843 kg vải, trị giá trên 3,1 tỷ đồng. Chi cục đã xử phạt công ty này số tiền gần 90 triệu đồng, truy thu gần 450 triệu đồng tiền thuế.

Đáng chú ý, qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lô hàng đã thông quan, cơ quan Hải quan phát hiện nhiều trường hợp nộp thiếu thuế do khai báo sai mã số hàng hóa. Mới đây, qua thanh tra, kiểm tra 51 tờ khai nhập khẩu mặt hàng siro trái cây của Công ty TNHH Một thành viên L.G.V. (quận 7- TP.HCM), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với DN này về hành vi khai báo sai mã số, thuế suất, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Trị giá hàng vi phạm thuộc 51 tờ khai hải quan trên 41,6 tỷ đồng. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã ban hành quyết định truy thu gần 2,3 tỷ đồng tiền thuế, đồng thời xử phạt DN này số tiền trên 457 triệu đồng.

Cùng với hành vi trên, ngày 28/8/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực I lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất M. (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) về hành vi khai sai mã số, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Cụ thể, qua thanh tra từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/6/2017, cơ quan Hải quan phát hiện DN này mở 8 tờ khai hải quan nhập khẩu mặt hàng phụ tùng máy nước nóng năng lượng mặt trời, trị giá trên 4,4 tỷ đồng nhưng khai sai mã số hàng hóa, thuế suất. DN này đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 77 triệu đồng, truy thu gần 400 triệu đồng thuế.

Ngoài đường biển, tuyến đường hàng không, bưu dịch quốc tế trên địa bàn cũng được Cục Hải quan TP.HCM xác định là điểm nóng về vận chuyển ma túy.

Theo ông Phạm Quốc Hùng Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, từ đầu năm đến nay, ma túy vận chuyển trái phép vào TP.HCM chủ yếu qua 3 tuyến chính: Đường hàng không, đường chuyển phát nhanh và Bưu cục ngoại dịch. Loại hình XNK các tội phạm ma túy lợi dụng, sử dụng là loại hình XNK phi mậu dịch. Trong đó, đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn là một trong những địa bàn trọng điểm, có khả năng cao về trung chuyển các chất ma túy, đặc biệt là xuất heroin và tiền chất, nhập cocaine, cần sa và các loại ma túy tổng hợp, thuốc lắc. Tuyến bưu điện quốc tế và chuyển phát nhanh là địa bàn trọng điểm về các hoạt động nhập khẩu các loại tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, ma túy tổng hợp, thuốc lắc dưới dạng quà biếu, quà tặng.

“Bên cạnh việc thực hiện tốt Chỉ thị 4550/CT-TCHQ ngày 2/8/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc tăng cường công tác phòng chống ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể trên từng tuyến đường”- Phó cục trưởng Phạm Quốc Hùng thông tin. 

Theo ông Phạm Quốc Hùng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, có sự dịch chuyển hàng hóa, trong đó có nhiều hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện…. Do đó, trong những tháng cuối năm, các đơn vị phải luôn cảnh giác và thường xuyên tăng cường các biện pháp phòng chống để đạt hiệu quả. Đặc biệt, với việc thông quan hàng hóa tự động phát sinh nhiều thủ đoạn mới, rủi ro cao như: Ma túy; hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả; trị giá tính thuế, thuế suất và chuyển giá; chính sách chuyên ngành, nhất là gian lận mặt hàng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất... Tập trung chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu có trọng điểm đối với mặt hàng trọng điểm theo các chuyên đề, tuyến trọng điểm và các lĩnh vực có nhiều rủi ro, xử lý hàng tồn đọng quá 90 ngày.