Hải quan và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp kiểm soát thực phẩm nhập khẩu

Theo baohaiquan.vn

Trước vướng mắc của Tổng cục Hải quan liên quan đến thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khi có thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm sẽ kịp thời thông tin bằng văn bản tới cơ quan Hải quan để kiểm soát việc NK.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Nguồn: PV.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Nguồn: PV.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm NK bao gồm: Thông tin cảnh báo của cơ quan thẩm quyền các nước, tổ chức quốc tế (WHO, FAO…), của các tổng cục, cục thuộc Bộ khi phát hiện thực phẩm NK không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các thông tin cảnh báo sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (các tổng cục, cục quản lý chuyên ngành) kịp thời thông tin bằng văn bản tới Tổng cục Hải quan để phối hợp kiểm soát.

Về việc áp dụng phương thức kiểm tra giảm, đơn vị này cho rằng, danh sách các quốc gia tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm phải do Bộ Y tế (cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 15/2018/NĐ-CP) cung cấp thông nhất thông tin này.

Đối với thông tin về sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức cá nhân đáp ứng đủ điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với hải quan tỉnh, thành phố trong việc thực hiện quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Liên quan đến vướng mắc của cơ quan Hải quan về giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kiểm tra theo phương thức kiểm tra giảm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có những giải thích cụ thể.

Theo Tổng cục Hải quan theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 18 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì hồ sơ kiểm tra theo phương thức kiểm tra giảm bao gồm: 3 Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu NK liên tiếp theo phương thức kiểm tra thông thường hoặc bản sao chứng thực hoặc bản chính hợp pháp hóa lãnh sự một trong các Giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực tại thời điểm nộp.

Tương tự, tại Điều 17 quy định đối với các trường hợp được áp dụng theo phương thức kiểm tra giảm trong đó bao gồm các lô hàng, mặt hàng được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.

Tổng cục Hải quan cho rằng, cần làm rõ các chứng từ có giá trị tương đương với các Giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 là những chứng từ nào hoặc dựa vào các tiêu chí nào để có thể xác định là chứng từ có giá trị tương đương với các chứng từ nêu trên.

Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các Giấy chứng nhận tương đương với Giấy chứng nhận HACCP, ISO 22000, IFC, BRC 22000 là Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn.

Tuy nhiên, bộ này cũng giải thích rằng, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này nên chỉ có thể xem xét cụ thể loại chứng nhận được xuất trình kèm theo hồ sơ đăng ký NK để đánh giá và kết luận.