Hải quan Việt Nam tổ chức Phiên họp lần thứ 2 Đối chiếu số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Indonesia, Malaysia và Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan

Ngày 20 tháng 9 năm 2012, tại trụ sở của Tổng cục Hải quan (Lô E, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy) diễn ra Phiên họp lần thứ 2 Đối chiếu số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Hải quan Việt Nam tổ chức Phiên họp lần thứ 2 Đối chiếu số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Indonesia, Malaysia và Việt Nam
Các đại biểu tham gia Phiên họp lần thứ 2 Đối chiếu số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Đại biểu tham gia Phiên họp lần này bao gồm các chuyên gia thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đến từ Cơ quan Thống kê quốc gia Indonesia (BPS), Cơ quan Thống kê quốc gia Malaysia (DOS), Tư vấn trưởng Chương trình Xây dựng Năng lực Thống kê EU-ASEAN (Chương trình EASCAB) thuộc Ban Thư ký ASEAN. Về phía Việt Nam, có đại diện của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) và Tổng cục Hải quan tham gia Phiên họp lần này.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, phát biểu khai mạc Phiên họp và nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên Hải quan Việt Nam thực hiện việc đối chiếu số liệu và những hoạt động như vậy sẽ cung cấp cho tất cả đại biểu nhiều kinh nghiệm để thực hiện những phân tích đối chiếu số liệu với các quốc gia khác nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Phó Tổng cục trưởng mong muốn Chương trình EASCAB mới (dự kiến triển khai từ năm 2013) sẽ giúp các nước ASEAN nhiều hơn nữa trong việc xây dựng năng lực thống kê nói chung và ưu tiên cho lĩnh vực thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng.

Ông Nguyễn Công Bình cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Chương trình EASCAB trước khi Chương trình này sẽ kết thúc vào cuối năm nay vì những hỗ trợ và đóng góp của Chương trình cho các nước ASEAN nói chung và cho Hải quan Việt Nam nói riêng để nâng cao năng lực thống kê nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập của các nước ASEAN nói chung.

Ông Romesh Paul, Tư vấn trưởng Chương trình EASCAB, cho biết các mục tiêu của Phiên họp lần này bao gồm: thứ nhất, giải thích và thảo luận những điểm khác biệt giữa số liệu thống kê song phương (giữa Việt Nam-Malaysia, Việt Nam-Indonesia và Indonesia-Malaysia) của 20 mặt hàng (HS 6-8 số) có sự chênh lệch lớn nhất; thứ hai thảo luận những điểm khác nhau giữa phương pháp luận thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Indonesia, Malaysia và Việt Nam được tập hợp từ bảng hỏi đã gửi cho các nước; và cuối cùng thống nhất về kết quả của Phiên họp lần thứ nhất và Phiên họp lần này để báo cáo Hội nghị của Nhóm Đặc trách Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của ASEAN được tổ chức tại Cămpuchia trong tuần tới.

Ông Romesh Paul cám ơn các Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã tích cực tham gia cũng như đóng góp các nguồn lực để góp phần vào thành công của hoạt động trợ giúp kỹ thuật này. Ông Romesh Paul hỵ vọng việc đối chiếu số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu song phương sẽ được mở rộng ra với sự tham gia của 10 thành viên ASEAN và hoạt động này sẽ được tổ chức trên cơ sở hàng năm với mục tiêu nâng cao chất lượng số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tư vấn trưởng của Chương trình EASCAB cũng khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện việc đối chiếu số liệu thống kê với các đối tác th thương mại khác có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản …

Trong gần 4 năm vừa qua, Chương trình EASCAB đã hỗ trợ các nước thành viên ASEAN với ưu tiên dành cho các nước Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam thông quan nhiều hoạt động liên quan đến thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (IMTS) như hài hòa phương pháp luận thống kê, đào tạo các nhà đào tạo, đảm bảo chất lượng số liệu, tổ chức các phiên họp về IMTS để tiếp cận với những tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế trong lĩnh vực IMTS.

Trước đó, vào ngày 11/7/2012, Phiên họp lần thứ nhất liên quan đến việc đối chiếu số liệu đã diễn ra tại Cơ quan Thống kê quốc gia (DOS) Malaysia. Tại Phiên họp lần thứ nhất, các đại biểu đã được giới thiệu khái quát về phương pháp luận đối chiếu số liệu và những lý do dẫn tới sự mất cân xứng trong số liệu giữa các nước cũng như hiểu thêm về phương pháp luận mà mỗi nước áp dụng trong thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Indonesia, Malaysia và Việt Nam là ba nước thành viên ASEAN tự nguyện tham gia vào hoạt động đối chiếu số liệu này với sự trợ giúp kỹ thuật của Chương trình EASCAB.