Kết nối 143 thủ tục mới vào Cơ chế một cửa: Thách thức lớn những tháng cuối năm

Theo baohaiquan.vn

Số lượng thủ tục dự kiến kết nối Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) trong những tháng cuối năm 2018 tương đương gần 3 lần tổng số thủ tục đã thực hiện từ hơn 4 năm qua, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn từ các bộ, ngành liên quan.

Số lượng thủ tục kết nối đến 15/7/2018 và mục tiêu đặt ra từ nay đến hết năm 2018 của các bộ, ngành. Nguồn: PV.
Số lượng thủ tục kết nối đến 15/7/2018 và mục tiêu đặt ra từ nay đến hết năm 2018 của các bộ, ngành. Nguồn: PV.

21% thủ tục được kết nối

Đến 15/7/2018, tổng số thủ tục kết nối NSW mới đạt 53 thủ tục, tương đương 21% tổng số thủ tục phải kết nối của các bộ, ngành (53/251 thủ tục). Để đạt được các mục tiêu của Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại, mới đây các bộ, ngành đã đăng ký từ nay đến hết năm 2018 sẽ kết nối thêm 143 thủ tục. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, hết năm nay số lượng thủ tục thực hiện NSW sẽ nâng lên 196, chiếm 78% tổng số thủ tục phải thực hiện.

“Số lượng thủ tục kết nối từ nay đến cuối năm do các bộ, ngành đăng ký. Đây là số lượng thủ tục rất lớn. Tuy nhiên, không phải trong những tháng cuối năm mới bắt đầu thực hiện, mà từ nhiều tháng qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan bắt tay thực hiện nhiều công việc liên quan, nhất là thống nhất quy trình, hệ thống CNTT… phục vụ kết nối. Đơn cử như Bộ Giao thông vận tải số lượng thủ tục lớn nhưng đã có nhiều thời gian chuẩn bị nên khả năng trong cuối tháng 7 hoặc tháng 8, Bộ Giao thông vận tải sẽ đồng thời kết nối hàng chục thủ tục vào NSW.

Các mốc chính thực hiện NSW và ASW
+ Ngày 12/11/2014, triển khai chính thức NSW tại cảng biển quốc tế, kết nối giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải.
+ Ngày 25/12/2014, Bộ Công Thương chính thức kết nối NSW.
n Ngày 4/6/2015, thêm 3 bộ kết nối gồm: Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Ngày 8/9/2015, thực hiện chính thức NSW và kết nối kỹ thuật ASW; thêm 3 bộ kết nối NSW, gồm: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ.
+ Ngày 21/7/2016, Bộ Quốc phòng chính thức kết nối NSW.
+ Ngày 4/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1899/QĐ-TTg về thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại. Trưởng ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Phó Trưởng ban chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Tài chính.
+ Từ đầu năm 2017, VCCI đã chính thức triển khai NSW. Đến ngày 29/6/2017, phần mềm C/O của VCCI đã thông luồng kỹ thuật với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
+ Ngày 15/11/2017, triển khai chính thức NSW tại cảng hàng không.
+ Ngày 1/1/2018 Việt Nam chính thức thực hiện trao đổi C/O mẫu D điện tử (e-C/O form D) qua với 4 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

Dù đã có nhiều sự chuẩn bị, nhưng khối lượng thủ tục đăng ký kết nối của các bộ, ngành thời gian tới rất nhiều kéo theo khối lượng công việc liên quan rất lớn nên ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, rất cần quyết tâm cao của các bộ, ngành liên quan, nếu không việc đạt được số lượng theo mục tiêu là hết sức khó khăn”- Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói trong buổi báo chuyên đề thông tin về Hội nghị chuyên đề của Chính phủ “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại”, tổ chức cuối tuần qua.
Ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính là hoàn toàn có cơ sơ vì thực tế qua hơn 4 năm thực hiện NSW kết quả vẫn dừng ở con số hết sức khiêm tốn là 53 thủ tục.

Hoàn thành kết nối vào năm 2020

Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua NSW dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Đồng thời, Việt Nam tham gia và triển khai ASW theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam tham gia…

Ngoài ra, toàn bộ các cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động XNK, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Ngoài các thủ tục tục đăng ký kết nối trong năm 2018 như đề cập ở trên, các bộ, ngành đặt mục tiêu hết năm 2019 triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các DN, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.

Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa XNK, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua NSW.

Đến 2020, 100% thủ tục hành chính thực hiện NSW thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử; các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua NSW được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan.

Đồng thời thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và các trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối – cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia… 

100% quy trình thủ tục hải quan kết nối NSW
Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối NSW và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% DN tham gia, thực hiện tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Hiện Cổng thông tin một cửa quốc gia và Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đang được vận hành trên một nền tảng cơ sở dữ liệu tích hợp chung và cơ quan Hải quan đã xây dựng các tiện ích cho phép công chức hải quan tra cứu và sử dụng các giấy phép điện tử, chứng từ điện tử do các bộ, ngành cấp để thông quan hàng hóa.
Việc ứng dụng CNTT đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Hiện, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng Xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng Vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Cùng với việc triển khai VNACCS/VCIS, năm 2017, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.
Để tạo thuận lợi cho DN, Bộ Tài chính cũng triển khai Đề án nộp thuế điện tử 24/7. Theo đó, DN có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK của DN xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 theo chỉ đạo của Chính phủ.