Ngăn chặn nhiều hàng cấm qua biên giới Tây Nguyên

Theo baohaiquan.vn

Mặc dù không tập trung các đầu mối lớn về sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, song thời gian qua, hoạt động kiểm soát, chống buôn lậu trên các tuyến biên giới Tây Nguyên vẫn luôn được các lực lượng tăng cường gắt gao. Qua đó, đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu như ma túy, gỗ, thuốc lá điếu...

Thuốc lá lậu bị thu giữ.  Nguồn: PV.
Thuốc lá lậu bị thu giữ. Nguồn: PV.

Chặn ma túy, thuốc lá vào nội địa

Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý, thuốc lá điếu nhập lậu. Dù chỉ ở mức độ nhỏ lẻ, nhưng qua đó cũng cho thấy tình hình buôn bán ma tuý tại đây vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum đã phối hợp cùng Phòng 9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (C47) - Bộ Công an đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng Trần Văn Ninh (sinh năm 1986, trú tại Ngọc Hồi, Kon Tum) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Đối tượng này thường xuyên qua lại cửa khẩu bằng đường mòn, lối tắt hai bên cánh gà cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum), sau đó mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam để bán lại trên địa bàn. Theo đó, tang vật thu giữ là 3 gói ma túy đá có tổng trọng lượng 238,55 gram.

Trước đó, hồi tháng 2/2017, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm Biên phòng tỉnh Gia Lai và Đồn Biên phòng Ia Nan (723) cũng đã tiến hành bắt giữ  đối tượng Nguyễn Ngọc Tú (sinh năm 1980, trú tại Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khi đang trên đường vận chuyển ma túy vào khu vực biên giới tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm hơn 1 gram heroin, 1 xe máy, 2 điện thoại di động và trên 7 triệu đồng.

Tương tự, với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, ngày 5/7 vừa qua, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum đã phát hiện 1.000 gói thuốc lá điếu nhãn hiệu Cowboy (tổng giá trị ước tính khoảng 18 triệu đồng) đang tập kết tại khu vực cửa khẩu Lệ Thanh.

Theo Đội Kiểm soát Hải quan, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối để tập kết hàng hóa là thuốc lá điếu tại các đường mòn trong rừng, cánh gà hai bên cửa khẩu để chờ vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Trước đó, vào tháng 5/2017, tổ công tác Cục Phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cũng đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Nan (723) phát hiện ô tô BKS 81B-003.99 có dấu hiệu nghi vấn. Khi lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu dừng xe kiểm tra thì tài xế bỏ chạy để lại tang vật, phương tiện. Kiểm tra trên xe có 14.500 bao thuốc lá ngoại (loại 20 điếu/bao).

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên, trên tuyến biên giới, một số đối tượng người Việt Nam thường móc nối với các chủ hàng người Campuchia đưa hàng ra tập kết sát biên giới, dùng người đi trước canh đường để tránh sự theo dõi của các lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ, đêm tối… để vượt biên sang Campuchia mua hàng lậu, chia nhỏ hàng hóa rồi vận chuyển về cất giấu ở khu vực dân cư, bìa rừng. Sau đó các đối tượng này vận chuyển vào nội địa tiêu thụ hoặc bán lại cho các chủ đầu nậu trên địa bàn.

Một số đầu nậu thuê người hoặc cho các đối tượng mua bán, vận chuyển nhỏ lẻ ứng tiền trước để mua, tập kết hàng lậu cho chúng mà không ra mặt, để tránh sự chú ý của các lực lượng chức năng. Các đối tượng thường vận chuyển hàng hóa về địa bàn các huyện, xã vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ, lấy danh nghĩa hàng “xách tay” để tiêu thụ trong thị trường nội địa.

Ngăn rừng “chảy máu”
Ngoài ma túy và thuốc lá, từ đầu năm đến nay, khu vực biên giới Tây Nguyên nổi lên tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu gỗ trái phép trong khu vực biên giới. Đặc biệt là hoạt động đưa người, phương tiện vượt biên qua Campuchia khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép vào Việt Nam với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Cụ thể, cuối tháng 5 vừa qua, trong lúc tuần tra, mật phục tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum đã phát hiện một đối tượng vận chuyển trái phép 30 hộp gỗ xẻ, tương đương 5,3 m3 qua biên giới, tập kết gỗ chờ vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Trong số này có 19 hộp gỗ giổi, tương đương 3,4 m3 và 11 hộp gỗ gụ, tương đương 1,9 m3. Tổng trị giá ước tính khoảng 43,5 triệu đồng.

Hồi đầu năm 2017, Công an huyện Tuy Đức cũng phát hiện, bắt giữ 1 xe container và 1 xe cẩu về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép trong khu vực biên giới, gồm 106 hộp gỗ xẻ thông thường với khối lượng gần 25 m3. Tương tự, Đoàn đặc nhiệm miền Trung (Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông) phối hợp với Đồn Biên Phòng 775 phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng, vận chuyển lâm sản trái phép trên đường tuần tra biên giới thuộc khu vực biên giới Đồn Biên phòng 775 quản lý, tịch thu tang vật gồm trên 7,6 m3 gỗ sao, trên 2 m3 gỗ hương.

Do đặc thù địa bàn có đường biên giới dài, tiếp giáp với cả 2 nước Lào và Campuchia, với địa hình rừng núi, nhiều đường mòn, lối mở nên công tác đấu tranh chống buôn lậu tại Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, do mang lại lợi nhuận lớn, nên nhiều đối tượng vẫn liều lĩnh mua bán, vận chuyển gỗ, ma tuý, hàng cấm qua khu vực biên giới. Chính vì vậy, thời gian tới, các mặt hàng “nóng” như ma túy, gỗ, thuốc lá điếu vẫn là những mặt hàng trọng điểm được các cơ quan chức năng đưa vào tầm ngắm để kiểm soát, ngăn chặn triệt để.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh  Gia Lai đã thu giữ gần 100.000 bao thuốc lá nhập lậu; lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông tịch thu trên 108 gram và 14 gói ma tuý đá, trên 137 gram và 11 gói heroin, 112 gram cần sa cùng nhiều dụng cụ sử dụng ma tuý; lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum cũng đã phát hiện và tịch thu 710 bao thuốc lá.

Đối với mặt hàng gỗ, trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ, tịch thu gần 435 m3 gỗ các loại; tại Gia Lai thu giữ 710 m3 gỗ các loại; tại Kon Tum thu giữ trên 1.000 m3 gỗ tròn (số liệu bao gồm cả tang vật gỗ khai thác, vận chuyển trong nội địa).