Ngành Hải quan không dễ để thu vượt 20%

Theo Pháp luật Việt Nam

Năm 2013, ngành Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 237.500 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012. Theo bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), đây là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động.

Ngành Hải quan không dễ để thu vượt 20%
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Bà Lỗ Thị Nhụ cho biết, để thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2013 Tổng cục Hải quan cần tham mưu Bộ tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, cùng với các điều kiện đảm bảo cho Luật đi vào thực hiện từ ngày 01/7/2013.

Tổng cục Hải quan cũng sẽ rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung sơ hở gây gian lận, thất thoát tiền thuế. Trình Bộ có cơ chế xử lý hợp lý về giá xăng dầu trên cơ sở đó điều chỉnh tăng thuế NK xăng dầu vào thời điểm thích hợp...

Tăng cường công tác chống buôn lậu, chống gian lận thương mại qua giá, mã, thuế suất, số lượng cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để thu NSNN. Đồng thời, tăng cường giám sát đối với hàng tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, kho ngoại quan; chú trọng thu thập các nguồn thông tin về hàng hóa, người khai hải quan… đặc biệt là DN có trụ sở một nơi nhưng làm thủ tục nhiều nơi, để phát hiện kịp thời các trường hợp sai phạm về loại hình, tên hàng, số lượng, xuất xứ...

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phân tích phân loại (PTPL), góp phần chống gian lận qua mã số; bảo đảm sự thống nhất về kết quả PTPL giữa các chi nhánh, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận PTPL của mình. Phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp khai sai tên hàng, mã số để gian lận thuế. Nâng cao năng lực của Trung tâm PTPL.

Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ tập trung tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm; điều tra, xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, chủ động rà soát thu đủ thuế bản quyền, phần mềm NK, các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế, gia hạn, xóa nợ thuế bảo đảm đúng đối tượng, đáp ứng điều kiện, thủ tục hồ sơ... cũng là một trong những giải pháp để chống thất thu thuế.

Nâng cao năng lực Hệ thống quản lý rủi ro (QLRR). Theo đó, rà soát, xem xét hệ tiêu chí phân luồng, tập trung kiểm tra các trường hợp có độ rủi ro cao; hạn chế tối thiểu sự can thiệp của công chức hải quan trong phân luồng hàng hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, chấp hành pháp luật của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và DN trong hoạt động XNK, một giải pháp quan trọng khác được ngành Hải quan chú trọng là thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, tăng cường gặp trực tiếp DN để giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XNK của DN, không gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực; tăng cường sự phối hợp, bảo đảm thời gian giải quyết công việc nhanh gọn, chính xác; tăng cường các đoàn kiểm tra đột xuất về kỷ cương, kỷ luật, chấp hành chế độ chính sách.

Bà Nhụ cho rằng, bên cạnh các giải pháp trên của ngành Hải quan, Chính phủ cũng cần điều chỉnh tăng thuế NK đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được; điều chỉnh thuế suất xăng dầu kịp thời theo đề xuất của Bộ Tài chính tại công văn số 16959/BTC-CST ngày 5/12/2012; tăng thuế suất thuế XK  đối với mặt hàng than kịp thời để tăng thu cho ngân sách.

Để khuyến khích XK đề nghị Bộ Công Thương xem xét tạo điều kiện thuận lợi đối với việc cấp C/O ưu đãi cho hàng hoá gửi kho ngoại quan của chủ hàng nước ngoài XK sang nước là thành viên hiệp định FTA. Cùng với đó, kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12-5-2011 của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục NK xe ôtô chở người loại 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng: Kiến nghị bãi bỏ quy định về việc bổ sung Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà NK, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó; gỡ bỏ hạn chế 3 cửa khẩu theo quy định tại Thông tư 20.