Ngành Hải quan: Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo thu Ngân sách Nhà nước năm 2013

Theo Báo Hải quan

Tổng cục Hải quan sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Ngành Hải quan: Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo thu Ngân sách Nhà nước năm 2013

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung sơ hở gây gian lận, thất thoát tiền thuế. Ví dụ như: Ban hành Thông tư thay thế Thông tư 165/2010/TT-BTC, Thông tư 194/2010/TT-BTC; ban hành thông tư hướng dẫn xử lý xe ngoại giao chuyển đổi chủ sở hữu, tài sản di chuyển.

Hoàn thiện quy định về quản lý hải quan và quản lý thuế đối với XK dầu thô, NK xăng dầu, máy móc thiết bị của hoạt động dầu khí… bảo đảm quản  lý, giám sát được việc XK dầu thô, thu đúng, đủ các loại thuế; đánh giá việc thực hiện cơ chế xử lý bù trừ xăng dầu NK với xăng dầu sản xuất trong nước XK sang Lào, kiến nghị chính sách hợp lý đối với loại hình này theo Thông tư 162/2011/TT-BTC.

Phân tích kim ngạch chịu thuế, mức thuế suất thuế XK, NK ảnh hưởng đến số thu đối với một số mặt hàng như: Thuế XK than, quặng Apatit, thuế NK vàng, thuế NK hương liệu và hóa chất để sản xuất đồ uống, xăng dầu… để kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất phù hợp. Trình Bộ có cơ chế xử lý hợp lý về giá xăng dầu trên cơ sở đó điều chỉnh tăng thuế NK xăng dầu vào thời điểm thích hợp...

Tổng cục xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, cùng với các điều kiện đảm bảo để Luật đi vào thực hiện từ 1/7/2013.

Thi đua hoàn thành chỉ tiêu thu Ngân sách Nhà nước (NSNN)

Đây có thể coi là một động lực để các đơn vị trong toàn Ngành hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN, vì vậy, cần chủ động, bố trí các lực lượng, công cụ phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN giao. Cụ thể, rà soát xác định lại chỉ tiêu thu NSNN giao cho từng địa phương trên cơ sở số thực thu 2012. Trên cơ sở chỉ tiêu thu nợ Tổng cục giao cho các đơn vị, phấn đấu thu hồi hết số nợ thuế có khả năng thu, không để nợ mới phát sinh, chuẩn bị hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xóa hết các khoản nợ được xóa theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2013.

Cùng với đó, giao chỉ tiêu thu qua  kiểm tra sau thông quan, thanh tra, bảo đảm cao gấp 2 lần so với số thực thu 2012; tăng cường kiểm tra, rà soát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại các cục Hải quan địa phương. Yêu cầu các đơn vị phải thu đúng, thu đủ nộp vào NSNN, kiến nghị xử lý kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị thực hiện không đầy đủ nghiêm chỉnh các kiến nghị, kết luận.

Chống buôn lậu, gian lận thương mại

Tăng cường công tác chống buôn lậu, chống gian lận thương mại qua giá, mã, thuế suất, số lượng cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để thu NSNN.

Theo đó, cần ban hành cơ sở dữ liệu mới về giá thay thế Danh mục rủi ro về giá đối với hàng NK cấp Tổng cục hiện hành; tăng cường giám sát đối với hàng TN-TX, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, kho ngoại quan; chú trọng thu thập các nguồn thông tin về hàng hóa, người khai hải quan… đặc biệt là DN có trụ sở một nơi nhưng làm thủ tục nhiều nơi, để phát hiện kịp thời các trường hợp sai phạm về loại hình, tên hàng, số lượng, xuất xứ...

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phân tích phân loại (PTPL), góp phần chống gian lận qua mã số; bảo đảm sự thống nhất về kết quả PTPL giữa các chi nhánh, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận PTPL của mình. Phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp khai sai tên hàng, mã số để gian lận thuế. Nâng cao năng lực của Trung tâm PTPL.

Cùng với đó, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm; điều tra, xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các loại hình, mặt hàng, khu vực trọng điểm, tuyến đường vận chuyển hàng hóa TNTX, chuyển khẩu, NK qua đường hàng không; xác định mặt hàng, đối tượng, lĩnh vực trọng điểm, phương thức, thủ đoạn, hiện tượng nổi cộm trong từng địa bàn. Tiếp tục thu thập, xác minh làm rõ các thông tin về trị giá thực thanh toán, hoạt động XNK của các DN; điều chuyển lực lượng cán bộ giữa các đơn vị đảm bảo thực hiện theo mô hình quản lý mới, phù hợp với thực tế.

Chủ động rà soát thu đủ thuế bản quyền, phần mềm NK, các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế, gia hạn, xóa nợ thuế bảo đảm đúng đối tượng, đáp ứng điều kiện, thủ tục hồ sơ... cũng là một trong những giải pháp để chống thất thu thuế. Chỉ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, gia hạn, xóa nợ thuế khi DN có đủ hồ sơ, chứng từ; tập trung lực lượng chống thất thu về trị giá, thuế suất…

Nâng cao năng lực Hệ thống quản lý rủi ro (QLRR); phân tích trọng tâm, trọng điểm cũng là một trong những biện pháp cần triển khai. Thực hiện thu thập, phân tích, đánh giá rủi ro, kiểm tra việc phân luồng hồ sơ hải quan bảo đảm việc phân luồng chính xác, kiến nghị các giải pháp QLRR phù hợp chống gian lận, cảnh báo các tình huống vi phạm của CBCC hải quan qua công tác QLRR.

Theo đó, rà soát, xem xét hệ tiêu chí phân luồng, tập trung kiểm tra các trường hợp có độ rủi ro cao; hạn chế tối thiểu sự can thiệp của công chức hải quan trong phân luồng hàng hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, chấp hành pháp luật của người nộp thuế  theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Các đơn vị rà soát các DN đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài NK nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa XK, nhập gia công, tạm nhập tái xuất; phân loại, lập danh sách các DN có độ rủi ro cao để theo dõi và có biện pháp quản lý chặt chẽ...

Tạo thuận lợi cho DN

Xác định DN là đối tác chính của Hải quan, vì vậy, trong giải pháp về tạo thuận lợi cho DN, ngành Hải quan sẽ tập trung vào những giải pháp: Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, tăng cường gặp trực tiếp DN để giải quyết dứt điểm các vướng mắc thuộc thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XNK của DN, không gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực; tăng cường sự phối hợp, bảo đảm thời gian giải quyết công việc nhanh gọn, chính xác; tăng cường các đoàn kiểm tra đột xuất về kỷ cương, kỷ luật, chấp hành chế độ chính sách; tổ chức hội nghị giao ban cụm.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và DN trong hoạt động XNK mà trọng tâm là: Triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử theo quy định tại Nghị định 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ tại 13 cục Hải quan tỉnh, thành phố còn lại; xem xét mở rộng số lượng DN ưu tiên làm thủ tục hải quan.

Tiếp tục triển khai dự án Hiện đại hoá thu NSNN giữa Thuế - Kho bạc - Hải quan; sơ kết, đánh giá công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại để mở rộng việc thực hiện phối hợp thu.

Thực hiện cập nhật, thống kê, báo cáo chính xác, kịp thời, đầy đủ số liệu về số tiền thuế phát sinh, phải thu, đã thu, chưa thu trong từng ngày vào hệ thống kế toán KT559 và truyền nhận báo cáo đầy đủ các bảng dữ liệu theo đúng quy định. 

Một số kiến nghị về chính sách thuế nhằm hỗ trợ cho công tác thu NSNN năm 2013

- Điều chỉnh tăng thuế NK đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và đáp ứng nhu cầu trong nước.

- Điều chỉnh thuế suất xăng dầu kịp thời theo đề xuất của Bộ Tài chính tại công văn số 16959/BTC-CST ngày 5/12/2012. Cụ thể: với giá xăng RON 92, trong trường hợp giá bình quân tại Singapore xuống dưới 70 USD một thùng, thuế suất tối đa được áp dụng là 40%. Tương tự với các khoảng giá 70 - 90, 90 - 110 và 110 - 130 USD một thùng, thuế suất tối đa mà cơ quan quản lý được áp lần lượt sẽ là 30%, 20% và 12%. Trong trường hợp giá bình quân vượt quá 130 USD một thùng, thuế suất thấp nhất có thể được áp dụng là 7%. Các mốc tương đương cũng áp dụng với các mặt hàng khác như diezel, dầu hỏa, dầu mazut…

- Đối với mặt hàng than XK: Thuế suất thực hiện từ 1/1/2012 đến 10/10/2012 là 20%, từ 11/10/2012 đến nay là 10%. Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy: 9 tháng đầu năm 2012, bình quân mỗi tháng XK 1.138 tấn, giá XK bình quân 77,7 USD/tấn; 3 tháng cuối năm 2012, bình quân mỗi tháng XK 1.617 tấn tăng 42% so với bình quân 9 tháng đầu năm 2012, giá XK bình quân 71 USD/tấn. Vì vậy, căn cứ vào tình hình hoạt động của Tập đoàn Than-Khoáng sản và giá XK, đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế XK kịp thời để tăng thu cho ngân sách.

- Cho phép hàng hóa thuộc danh mục hàng tiêu dùng được đưa từ kho ngoại quan vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

- Để khuyến khích XK đề nghị Bộ Công Thương xem xét tạo điều kiện thuận lợi đối với việc cấp C/O ưu đãi cho hàng hoá gửi kho ngoại quan của chủ hàng nước ngoài XK sang nước là thành viên hiệp định FTA. Cùng với đó, kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục NK xe ôtô chở người loại 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng: Kiến nghị bãi bỏ quy định về việc bổ sung Giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà NK, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó; gỡ bỏ hạn chế 3 cửa khẩu theo quy định tại Thông tư 20.