Quản lí kinh doanh tạm nhập tái xuất: Chuyển biến rõ nét

Thái Bình

Việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lí hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), đặc biệt là Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động tới các DN kinh doanh loại hình này. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho cơ quan Hải quan quản lí có hiệu quả hoạt động kinh doanh này.

Quản lí kinh doanh tạm nhập tái xuất: Chuyển biến rõ nét

Điều kiện cao hơn- tờ khai giảm

Theo các đơn vị Hải quan cửa khẩu, thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lí Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan; các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, công tác quản lí hoạt động này đã được thắt chặt. Đặc biệt đáng lưu ý là điều kiện quy định đặt ra cho các DN kinh doanh TNTX cao hơn so với trước.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng) Đàm Minh Nghiệp cho biết, việc thực hiện thủ tục và các biện pháp quản lí loại hình kinh doanh TNTX từ trước đến nay vẫn được đơn vị thực hiện đảm bảo theo các quy định của Nhà nước, quy trình nghiệp vụ của ngành Hải quan. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 23, việc quản lí có thêm nhiều thuận lợi do những yêu cầu mới được Chính phủ, các cơ quan chức năng đặt ra đối với DN kinh doanh TNTX như: Quy định về mặt hàng được thực hiện; quy định DN phải kí quỹ 5 tỉ đồng; hàng hoá chỉ được lưu giữ ở Việt Nam không quá 60 ngày (kể cả thời gian gia hạn), trước đây là 180 ngày (cả thời gian gia hạn)…  Theo quy định mới này nhiều DN không đáp ứng được điều kiện đã tạm ngừng kinh doanh TNTX.

Ông Nghiệp cho biết thêm, hiện nay số lượng tờ khai của loại hình kinh doanh TNTX giảm khoảng 50% so với trước. Cụ thể ngày 4-10, Chi cục làm thủ tục tạm nhập và thủ tục tái xuất cho 60 bộ tờ khai, trong khi trước đây trung bình một ngày có trên 100 bộ.

Tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu khác ở Hải Phòng lượng hàng kinh doanh TNTX những ngày gần đây cũng giảm đáng kể do nhiều DN không đáp ứng được các điều kiện đặt ra trong Chỉ thị 23 như đề cập ở trên. Ông Vũ Quốc Dương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV II cho biết, hiện mỗi ngày đơn vị chỉ có vài lô hàng làm thủ tục kinh doanh TNTX, thậm chí có ngày không có DN mở tờ khai loại hình này.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV III Nguyễn Kiên Giang, lượng tờ khai kinh doanh TNTX tại Chi cục từ 1-10 đến nay chỉ khoảng 10 đến 20 bộ/ngày. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV I - một trong những đơn vị có lượng tờ khai TNTX lớn nhất ở Hải Phòng trước đây số lượng hiện cũng giảm đáng kể. Ông Đỗ Huy Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV I cho biết, trước đây trung bình một ngày ở đơn vị có khoảng 200 bộ tờ khai, nhưng từ đầu tháng 10 trở lại đây, trung bình mỗi ngày chỉ còn 10 đến 20 tờ khai.

Giám sát chặt hàng thực xuất

Việc giảm lượng hàng hoá kinh doanh TNTX ở Hải Phòng ngoài nguyên nhân nhiều DN không đáp ứng được các điều kiện do Chỉ thị 23 đặt ra, thì việc đối tác Trung Quốc hạn chế nhận hàng cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh TNTX.

Để đảm bảo công tác quản lí, đặc biệt là ngăn chặn DN có hành vi thẩm lậu hàng TNTX vào nội địa hoặc hàng đi không đúng tuyến đường, ngành Hải quan đang tăng cường các biện pháp quản lí. Có mặt tại các địa điểm tái xuất ở khu vực biên giới Cao Bằng những ngày đầu tháng 10 này chúng tôi nhận thấy lực lượng Hải quan đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị hải quan cửa khẩu và lực lượng kiểm soát Hải quan.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tà Lùng (Cục Hải quan Cao Bằng) Trịnh Ngọc Ban cho biết, đơn vị chủ yếu thực hiện việc giám sát thực xuất chứ không trực tiếp làm thủ tục TNTX. Thời gian qua việc xác nhận thực xuất được đơn vị thực hiện đúng theo các quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngành. Cụ thể, khi nhận được thông tin từ Chi cục hải quan làm thủ tục, đơn vị tiến hành kiểm tra DN đã đưa hàng đến khu vực cửa khẩu để tái xuất chưa.

Trường hợp quá thời hạn quy định DN không đưa hàng đến cửa khẩu tái xuất, đơn vị sẽ hồi báo cho chi cục nơi DN mở tờ khai kiểm tra, đồng thời thông báo cho Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Cao Bằng có biện pháp phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1)- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), điều tra xác minh về hành trình của lô hàng. Trường hợp hàng hoá được đưa đến cửa khẩu, Chi cục sẽ yêu cầu DN đưa hàng hoá vào địa điểm kiểm tra để kiểm tra số container, số kẹp chì niêm phong hải quan, chụp ảnh lô hàng để làm hồ sơ, tư liệu… và giám sát cho đến khi DN tái xuất hết toàn bộ lô hàng.

Sau khi DN tái xuất xong hàng hoá, đơn vị sẽ hồi báo về cho chi cục hải quan nơi DN mở tờ khai để làm tiếp các thủ tục theo quy định. Theo thống kê mới nhất từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng, từ đầu năm đến trung tuần tháng 9, đơn vị đã giám sát cho 5.000 bộ tờ khai của hàng hoá kinh doanh TNTX, với tổng số 6.147 container.

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh, Chi cục trưởng Đinh Vĩnh Long cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giám sát việc tái xuất cho 1.456 bộ tờ khai hàng kinh doanh TNTX. Việc giám sát được thực hiện đúng các quy định của Ngành, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị 23.

Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Cao Bằng Nguyễn Duy Thư cho biết, từ đầu năm đến nay, Đội thường xuyên duy trì 3 tổ công tác để nắm tình hình và phối hợp với Đội 1 (Cục ĐTCBL-TCHQ) và các chi cục hải quan cửa khẩu kiểm tra, giám sát các lô hàng TNTX có nghi vấn và có thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp thời xử lí. Mới đây, vào cuối tháng 9, đơn vị và Đội 1 đã phát hiện 1 DN kinh doanh TNTX có hành vi tự ý phá niêm phong hải quan khi chưa được sự đồng ý của cơ quan Hải quan. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lí theo quy định.