Quản lý rủi ro hải quan: Nhân thêm lợi ích

Hoàng Dũng

(Tài chính) Ban hành và thực hiện danh mục quản lý rủi ro (QLRR) hàng hóa xuất nhập khẩu là xu thế tất yếu trong hoạt động kiểm soát hải quan. Đây là công cụ hữu hiệu nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Quản lý rủi ro hải quan:  Nhân thêm lợi ích
Quản lý rủi ro không chỉ tạo thuận lợi cho quản lý hải quan mà còn giảm chi phí cho doanh nghiệp

Từ năm 2006, công tác QLRR đã được Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện, áp dụng nhằm tạo bước đột phá trong cải cách, hiện đại hóa hải quan.

Việc áp dụng QLRR đã tạo sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro, qua đó giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa. Lợi ích mang lại từ QLRR không chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý hải quan mà còn giảm các chi phí cho DN. Bởi QLRR là nền tảng của tự động hóa hải quan, qua đó góp phần giảm thủ tục hải quan, giảm thời gian, giấy tờ, từ đó giảm chi phí cho DN. Với những DN hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) quy mô lớn, số tiền tiết kiệm được mỗi năm có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Đánh giá về những lợi ích mang lại từ việc triển khai thực hiện danh mục QLRR hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Bùi Thái Quang – Phó trưởng Ban QLRR Hải quan cho biết: “Việc áp dụng quy trình QLRR đã góp phần giảm thời gian thông quan và chi phí cho DN, đồng thời, là công cụ hữu hiệu chống thất thu ngân sách nhà nước. Từ những lợi ích này, ngành Hải quan đã và đang đẩy mạnh áp dụng quy trình QLRR và sẽ tiếp tục phát huy trong thời gian tới”.

Năm 2011, Tổng cục Hải quan đã ban hành Danh mục QLRR hàng hóa nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kiểm tra kèm Công văn số 348/TCHQ-TXNK ngày 21/1/2011 đã được sửa đổi, bổ sung tại Danh mục và mức giá kiểm tra ban hành kèm theo công văn số 2334/TCHQ-TXNK ngày 23/5/2011 gồm 20 nhóm mặt hàng. Sau hơn 1 năm thực hiện, Danh mục QLRR hàng nhập khẩu đã là một trong những công cụ quan trọng giúp cơ quan Hải quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá tính thuế. Đồng thời, đánh giá được độ rủi ro của trị giá khai báo, từ đó tổ chức tham vấn với các DN khai báo trị giá có độ tin cậy thấp, ngăn chặn tình trạng khai báo tùy tiện giá hàng nhập khẩu không phù hợp với giá thực tế phải thanh toán, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện cũng đã phát sinh một số vấn đề, yêu cầu cần sửa đổi bổ sung các mức giá tại Danh mục QLRR của Tổng cục Hải quan để đưa ra các mức giá phù hợp với sự biến động của giá cả và sự thay đổi của sản phẩm, hàng hóa là hết sức cần thiết.

Trước yêu cầu đó, Tổng cục Hải quan đã rà soát để ban hành Công văn số 5564/TCHQ-TXNK ngày 15/10/2012 sửa đổi, bổ sung mức giá đã ban hành kèm theo Công văn số 348/TCHQ-TXNK ngày 21/1/2011 và công văn số 2334/ TCHQ-TXNK ngày 23/5/2011: Theo đó, nội dung Công văn mới ban hành giữ nguyên 20 nhóm hàng hiện hành, bổ sung những mặt hàng có model, chủng loại mới, thay thế những mặt hàng có model, chủng loại lạc hậu, không còn nhập khẩu; điều chỉnh mức giá một số mặt hàng để phù hợp với sự biến động của giá nhập khẩu cũng như thông tin giá xác minh do cơ quan Hải quan có được…

Mức giá sửa đổi, bổ sung lần này được xây dựng trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội DN, các mức giá giao dịch có độ tin cậy cao đã được cơ quan hải quan chấp nhận kết hợp với các nguồn thông tin từ giá thị trường, từ thông tin trên internet, các thông tin do cơ quan hải quan xác minh… Các mức giá tại Danh mục QLRR hàng nhập khẩu được sử dụng để kiểm tra trị giá khai báo, phân loại xác định mức độ tin cậy của thông tin giá khai báo, không phải là “Bảng giá tối thiểu” để áp đặt xác định trị giá tính thuế.

Theo ông Bùi Thái Quang: Việc sửa đổi, bổ sung Danh mục QLRR nhập khẩu cấp Tổng cục và mức giá kèm theo là công việc thường xuyên của Cơ quan Hải quan. Điều này đảm bảo yêu cầu thực tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN, giữa hàng hóa xuất nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao tính tuân thủ của DN trong khai báo trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, từng bước hạn chế tình trạng khai báo giá không phù hợp với giao dịch thực tế của DN, đấu tranh có hiệu quả với hành vi gian lận thương mại qua giá. Đây là một trong những hoạt động cải cách hiện đại hóa hải quan, góp phần giảm chi phí cho DN, chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực mới và khó đối với không ít DN, do đó, để nhận thức một cách toàn diện về lợi ích lĩnh vực này đòi hỏi phải có thời gian.

Cũng theo ông Bùi Thái Quang, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp cộng đồng DN hiểu rõ hơn về những lợi ích của quy trình quản lý mới này; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác QLRR và xây dựng hệ thống đơn vị chuyên trách tại các cấp trong toàn ngành theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Ngành sẽ đẩy mạnh thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ, đánh giá rủi ro nhằm nâng cao năng lực dự báo và kiểm soát rủi ro ở các giai đoạn trước, trong và sau thông quan. Bên cạnh đó, ông Quang cũng khuyến cáo: Muốn trở thành DN có độ rủi ro thấp, mỗi DN cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan hải quan khi được yêu cầu.

                                                                                                                        Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 11-2012