Quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành thế nào cho đúng

Theo baohaiquan.vn

Áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành là một giải pháp quan trọng nhằm giảm số lượng hàng hóa XNK phải kiểm tra trước thông quan. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này ở một số văn bản chưa hẳn đã đúng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoa quả nhập khẩu tại cửa khẩu Lào Cai. Nguồn: PV.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoa quả nhập khẩu tại cửa khẩu Lào Cai. Nguồn: PV.
Chẳng hạn như việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật NK.

Tại dự thảo thông tư quy định ba mức độ kiểm tra là kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan việc quy định mức độ kiểm tra như tại dự thảo chưa phải là quản lý rủi ro theo nghĩa đầy đủ của nguyên tắc quản lý rủi ro, do khi NK DN vẫn phải thực hiện kiểm tra và xuất trình giấy Giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm đạt yêu cầu do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cơ quan Hải quan để thực hiện thông quan hàng hóa, kế cả đối với DN chấp hành tốt pháp luật. 

“Điều này có nghĩa 100% lô hàng NK vẫn phải kiểm tra an toàn thực phẩm trước khi thông quan và không làm giảm tỉ lệ kiểm tra trước thông quan”-theo phân tích của Tổng cục Hải quan.

Để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết 19/NQ-CP, Tổng cục Hải quan đề nghị ban soạn thảo thông tư nghiên cứu về việc thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trì dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, dự thảo Nghị định có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK như việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, đối tượng hàng hóa NK được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm… Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị khi xây dựng dự thảo thông tư cần bám nội dung dự thảo Nghị định, hoặc chờ dự thảo Nghị định ban hành.