Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan

Theo customs.gov.vn

(Tài chính) Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 15/12/2013 có thay đổi về thứ tự áp dụng biện pháp cưỡng chế và thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các biện pháp cưỡng chế

Về cơ bản, các biện pháp cưỡng chế quy định tại Nghị định 127 lần này vẫn giữ nguyên như quy định của Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (VPHC). Tuy nhiên, Nghị định 127 có sự thay đổi về thứ tự các biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định hành chính thuế, thay đổi tên gọi của 01 biện pháp cưỡng chế và bỏ 01 biện pháp cưỡng chế. Cụ thể:

+ Thay đổi thứ tự áp dụng biện pháp cưỡng chế, đó là: Biện pháp cưỡng chế “Dừng làm thủ tục hải quan” được xếp ở vị trí thứ 3 thay vì vị trí thứ 5 như trước đây Luật Quản lý thuế quy định; biện pháp cưỡng chế “kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt” và biện pháp “Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ” chuyển xuống vị trí thứ 5 và thứ 6 (Điều 93 Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung; Điều 27 Nghị định 127) so với quy định trước đây của Luật Quản lý thuế.

+ Thay biện pháp cưỡng chế “Thu hồi mã số thuế; đình chỉ việc sử dụng hóa đơn” bằng biện pháp “Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng” (Điều 93 Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung; Điều 27 Nghị định 127).

+ Bỏ biện pháp cưỡng chế “Cưỡng chế để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính” do Luật Xử lý VPHC đã bỏ biện pháp này.

Thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế

Trước đây, Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Xử lý VPHC chỉ quy định thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nà không quy định thẩm quyền ra quyết định đối với những trường hợp cụ thể.

Nghị định 127 quy định Tổng cục trưởng TCHQ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ; Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Việc ra quyết định cưỡng chế theo hướng:

 - Những người theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Xử lý VPHC có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế đối với các quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan do mình ban hành hoặc quyết định hành chính do cấp dưới ban hành nhưng không có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Chi cục thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố đó.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp đối tượng bị cưỡng chế tại nhiều Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về việc tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan. Để tạo thuận lợi cho đối tượng bị cưỡng chế có điều kiện thực hiện quyết định cưỡng chế, cơ quan hải quan sẽ tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan khi đảm bảo: Không có nợ thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt của các lô hàng khác; phải nộp thuế trước khi thông quan đối với lô hàng đang làm thủ tục; số tiền thuế, tiền phạt đang còn nợ được tạm giải tỏa cưỡng chế với điều kiện phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh theo quy định.

Nghị định cũng có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế trên cơ sở các nội dung quy định tại Thông tư 193/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 của Bộ Tài chính được thực hiện ổn định trong thời gian qua.