Sửa đổi Luật Hải quan: Cải cách để phục vụ doanh nghiệp

PV.

(Tài chính) “Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã thể hiện rõ quan điểm đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với xu thế hội nhập…” - là nhận định chung của đa số các chuyên gia khi đánh giá, tham gia góp ý vào Dự thảo Luật này.

Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung tiếp tục cải cách mạnh mẽ để phục vụ doanh nghiệp được tốt hơn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung tiếp tục cải cách mạnh mẽ để phục vụ doanh nghiệp được tốt hơn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ

Luật Hải quan hiện hành được thông qua vào tháng 6/2001, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, sửa đổi lần đầu vào tháng 1/2006. Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Luật cũng thể hiện một số hạn chế, bất cập, chưa bắt kịp với sự phát triển của thực tiễn, đặc biệt là chưa tạo hành lang pháp lý thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT). Trước yêu cầu thực tiễn đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Luật Hải quan sửa đổi. Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi lần này, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua để bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015.

Dự thảo luật Hải quan sửa đổi gồm 112 điều, giữ nguyên 33 điều, bổ sung thêm 35 điều mới, sửa đổi 44 điều của luật Hải quan hiện hành. Trong dự thảo luật, rất nhiều nội dung tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp (DN) thông quan hàng hóa đã được quy định. Theo nhận định của các chuyên gia: Dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan. Tại điều 19, 20 Luật Hải quan hiện hành quy định 5 loại chứng từ bắt buộc phải có trong hồ sơ khai hải quan. Trong điều 24 dự thảo luật chỉ quy định còn 1 chứng từ bắt buộc phải có, đó là tờ khai hải quan. Điều 23 của dự thảo Luật cũng quy định rõ thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc…

Các nội dung sửa đổi, đều đã tâọ trung hướng đến các mục tiêu quan trọng là: Đảm bảo yêu cầu hội nhập toàn diện của nền kinh tế Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; Tạo khuôn khổ pháp lý để cải cách thủ tục hành chính và thực hiện TTHQĐT; Tạo khuôn khổ pháp luật để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Cụ thể:

Thứ nhất là, nội luật hoá các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập, bao gồm các vấn đề: Địa điểm làm thủ tục hải quan; Xác định xuất xứ hàng hóa (Điều 26); Xác định mã số, trị giá hải quan, xác nhận xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; giải phóng hàng; Trị giá hải quan.

Thứ hai là, cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hoá quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, liên quan đến: Áp dụng đầy đủ nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan; Đại lý làm thủ tục hải quan (Điều 20); Hồ sơ hải quan, thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan; Phân loại hàng hóa (Điều 25); Khai hải quan, thời hạn nộp hồ sơ hải quan; Kiểm tra hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan (Điều 30 đến 33); Tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo cơ chế một cửa; Chế độ ưu tiên đối với DN…

Thứ ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan và trách nhiệm xã hội của cơ quan hải quan. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong lĩnh vực hải quan đề nghị bổ sung trách nhiệm của cán bộ, cơ quan hải quan trong hoạt động thực thi pháp luật.

Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến

Để đảm bảo khách quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật, trong thời gian qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến đóng góp dưới nhiều hình thức và đã nhận được tham gia tích cực từ cộng đồng DN. Tất cả các ý kiến đóng góp, tham gia sửa đổi, bổ sung của DN đều đã được Bộ Tài chính lắng nghe và tiếp thu đầy đủ.

Theo Luật sư Vũ Xuân Tiền, Dự thảo Luật cần quy định chi tiết hơn, tránh những quy định chung chung sẽ khó khăn trong việc thực hiện và có thể dẫn tới những hiểu lầm. Ví dụ, trong Khoản 3 Điều 26 Dự thảo Luật quy định: Trường hợp cần thiết, cơ quan HQ tiến hành điều tra, xác minh xuất xứ hàng hóa… Luật sư Vũ Xuân Tiền cho rằng, ở đây, trường hợp cần thiết là những trường hợp nào? Điều này cần được làm rõ trong luật để công chức hải quan không thể làm khó DN.

Bên cạnh đó, Điều 18 Dự thảo Luật quy định lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày đăng ký. Tuy nhiên, quy định phải lưu giữ thời gian 10 năm là quá dài, có thể gây khó khăn rất lớn cho các DN xuất, nhập khẩu. Chỉ nên rút ngắn còn 3-5 năm.

Đồng thuận với những quan điểm và kiến nghị trên, bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH tư vấn thuế C&A cũng đưa ra một số phân tích: Điều 20, về đại lý hải quan, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ của đại lý hải quan trong việc thay mặt chủ hàng làm việc với cơ quan hải quan như: quyền được trực tiếp giải trình với cơ quan hải quan về một số nội dung; quyền được dự tham vấn giữa hải quan và DN… Có như vậy mới nâng cao vai trò của đại lý hải quan. Hiện nay, nhiều DN không muốn thuê đại lý hải quan bởi họ vẫn phải trực tiếp làm việc với lực lượng hải quan thay vì có thể ủy quyền phần lớn các nhiệm vụ đó cho đại lý.

Đóng góp ý kiến về bản Dự thảo Luật Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, về phần giải thích từ ngữ, cần làm rõ và đầy đủ các khái niệm trong luật để tránh suy diễn. Theo đó, đơn cử như tại khoản 2, Điều 4 có khái niệm "động sản có mã số”, như vậy là chưa đủ, bởi một số hàng hóa phi vật chất như phần mềm vẫn thuộc đối tượng phải làm thủ tục khai báo hải quan để xác định trị giá tính thuế. Ngoài ra, theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Khoản 12, Điều 4 không thống nhất với quy định tại Điểm 3.a Điều 36 quy định về thời gian giám sát, do vậy kiến nghị sửa quy định thời gian giám sát từ khi hàng hóa nhập khẩu vào địa bàn hoạt động hải quan đến khi được thông quan hoặc giải phóng hàng.

Cục Hải quan An Giang cũng cho rằng, Luật Hải quan sửa đổi lần này phải được chuẩn hóa sát với tình hình thực tế, từ ngữ chính xác dễ hiểu, dễ thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải hướng dẫn nhiều nội dung văn bản thực hiện dưới Luật. Theo Cục Hải quan An Giang, ngoài việc xác định trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong hoạt động hải quan, việc xác định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước khác có liên quan trong quản lý nhà nước về hải quan là rất quan trọng, do đó, cần phải quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước khác có liên quan trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi. "Bởi hoạt động hải quan có liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau, khi ngành Hải quan phải căn cứ vào các quy định pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau”.

Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị, tại Điều 4, khoản 1.b quy định về Quyền và nghĩa vụ người khai hải quan điện tử nên sửa đổi theo hướng: Trường hợp khai hải quan trong thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật, nhưng thuộc diện phải nộp, xuất trình chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan để cơ quan hải quan kiểm tra làm cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo thì được phản hồi hết quả chậm nhất là 2 giờ kể từ ngày làm việc kế tiếp. Trong trường hợp người khai hải quan có đăng ký làm việc ngoài giờ thì cơ quan hải quan sẽ phản hồi kết quả ngay. Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, do hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu diễn ra liên tục, kể cả cuối tuần và các ngày Lễ, Tết nên nếu phải đợi kết quả phản hồi từ cơ quan Hải quan sau ngày nghỉ thì việc lưu thông hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ bị chậm trễ. Việc này làm tăng chi phí, gây khó khăn cho DN.

Còn theo Cục Hải quan Quảng Ninh, đối với công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cần quy định rõ về mặt địa lý liên quan đến địa bàn hoạt động hải quan; quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác chống buôn lậu, cũng như yêu cầu hỗ trợ về lực lượng, phương tiện để cùng cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, ở ngoài địa bàn hoạt động, cơ quan Hải quan thực hiện các nhiệm vụ giám sát cần quy định rõ.

Đánh về những ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật, Thứ trưởng bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: "Về các ý kiến đóng góp liên quan đến thủ tục, đảm bảo quyền lợi của DN như thời gian lưu giữ hồ sơ, thời gian trả lời DN; các trường hợp được kiểm tra sau thông quan… cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu, chỉnh sửa để bổ sung phù hợp…"