Nghị định 134/2016/NĐ-CP:

Sửa quy định miễn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu để gia công

Theo baohaiquan.vn

Để minh bạch về chính sách và tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý loại hình gia công của cơ quan Hải quan, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 11 về miễn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu và Khoản 2 Điều 11 về cơ sở để xác định hàng hoá được miễn thuế

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Nguồn: PV.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Nguồn: PV.

Bất cập trong thực hiện

Theo phân tích của Ban soạn thảo, qua rà soát cho thấy, chủng loại hàng hoá được miễn thuế xuất khẩu quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP có phạm vi rộng hơn so với quy định tại Khoản 6 Điều 16 Luật số 107/2016/QH13 (Luật chỉ quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhưng Nghị định quy định gồm cả sản phẩm để làm mẫu, máy móc, thiết bị để thực hiện gia công) và có nội dung quy định hẹp hơn so với quy định của Luật và không phù hợp về bản chất của chính sách.

Cụ thể, Luật quy định miễn thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện (trừ trường hợp hàng hoá xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên). Tuy nhiên, tại Nghị định quy định thêm là không miễn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu có thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu. Theo đó, quy định tại Nghị định hiện nay hẹp hơn so với quy định của Luật.

Bên cạnh đó, Luật Thuế XK, thuế NK quy định hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, trừ một số đối tượng đã quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 2 Luật 107/2016/QH13 và tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP quy định cụ thể 211 nhóm hàng có thuế suất thuế xuất khẩu từ 0% trở lên.

Như vậy, với quy định tại Khoản 1 Điều 11 được hiểu là hầu hết hàng hoá xuất khẩu ra khỏi Việt Nam để gia công đều không được miễn thuế xuất khẩu, trong khi trên thực tế nếu tính thuế xuất khẩu thì chỉ có 211 nhóm hàng là có mức thuế suất để tính thuế xuất khẩu. Mặt khác, việc quy định không miễn thuế xuất khẩu đối với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, xuất khẩu để gia công là không đúng bản chất của chính sách ưu đãi miễn thuế.

Theo phản hồi của hải quan các địa phương, đối với điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều 11 hiện đang có vướng mắc trong việc xác định tỷ lệ 51% đối với hàng hoá xuất khẩu để gia công là sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.

Hơn thế nữa, theo phân tích của Ban soạn thảo, tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 134 chưa có quy định đối với trường hợp doanh nghiệp nội địa thuê doanh nghiệp chế xuất gia công sau đó nhận lại sản phẩm. Nếu khi xuất khẩu vào doanh nghiệp chế xuất phải nộp thuế xuất khẩu đối với các trường hợp có thuế xuất khẩu như áp dụng đối với xuất khẩu hàng hóa để gia công ở nước ngoài, quy định này không phù hợp vì thực tế doanh nghiệp chế xuất vẫn nằm trên lãnh thổ Việt Nam, sử dụng lao động Việt Nam.

Sửa để minh bạch trong chính sách

Từ những bất cập trên, để minh bạch trong chính sách và đúng quy định của Luật thuế số 107/2016/QH13, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 11 như sau:  

”1. Hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK, gồm:

a) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên xuất khẩu để gia công không được miễn thuế xuất khẩu trừ trường hợp xuất khẩu vào khu phi thuế quan để gia công theo hợp đồng gia công.

Việc xác định hàng hoá xuất khẩu có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm căn cứ vào quy định về xác định sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT

b) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng mà chỉ dùng làm hàng mẫu;

c) Sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài khi nhập khẩu trở lại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công và phải chịu thuế đối với phần trị giá còn lại của sản phẩm theo mức thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm gia công nhập khẩu”.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 11 về cơ sở để xác định hàng hoá được miễn thuế, để minh bạch trong chính sách, đúng quy định của luật thuế số 107/2016/QH13. Thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan Hải quan

Theo đó, tại dự thảo sửa đổi sẽ chuyển nội dung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 11 xuống điểm b Khoản 2 Điều 11 cho phù hợp với nội dung vì chỉ xác định được khi thực hiện quyết toán với cơ quan thuế. Theo đó, nội dung điểm b Khoản 2 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu được sử dụng để thực hiện hợp đồng gia công. Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu (bao gồm cả nguyên liệu, vật tư, linh kiện thực tế đã tiêu hủy) được miễn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu thực tế được sử dụng (bao gồm trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện thực tế đã tiêu hủy) để sản xuất sản phẩm gia công thực tế nhập khẩu, được xác định khi quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan.

Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện đã xuất khẩu tương ứng với sản phẩm gia công không nhập khẩu trở lại phải chịu thuế xuất khẩu theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu.

Khi quyết toán, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu đã được miễn thuế thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công thực tế nhập khẩu và trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu đã được miễn thuế tương ứng với sản phẩm gia công không nhập khẩu trở lại”.