Tăng cường và nâng cao năng lực phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao

Danh Nam

Đó là một trong những nội dung thể hiện tại Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 – 2015.

Tăng cường và nâng cao năng lực phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao

Theo Quyết định trên, mục tiêu của Chương trình nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước với công tác phòng, chống tội phạm; giữ vững kỷ cương pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của các cấp, các ngành và trong cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, nhà trường, gia đình và toàn xã hội; Chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công trấn áp, truy quét các loại tội phạm, tập trung ở các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, phức tạp; Kiềm chế và làm giảm sự gia tăng của tội phạm, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm mới, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 được phê duyệt với tổng mức vốn là 1.972 tỷ đồng, huy động từ các nguồn ngân sách Trung ương, vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp, ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác.

Chương trình bao gồm 06 dự án: Đầu tư trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác, chiến đấu của Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp; Tăng cường năng lực phòng chống tội phạm về môi trường; Phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; Xây dựng Trung tâm thông tin Quốc gia về tội phạm; Tăng cường năng lực dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam; Tăng cường công tác giáo dục, truyền thống và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng sử dụng công nghệ cao trên thế giới, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam cũng diễn ra khá phức tạp. Đối tượng không chỉ là người trong nước mà có cả các cá nhân, tổ chức là người nước ngoài đến gây án với phạm vi đa quốc gia.

Công nghệ cao mở ra cho giới tội phạm nhiều khả năng thực hiện các hành vi phạm tội bằng nhiều phương thức mới và ngày càng tinh vi hơn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọngcho nền an ninh, trật tự và kinh tế-xã hội của đất nước, thường tập trung ở những địa phương là trung tâm kinh tế, xã hội của đất nước như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác.

Do đó, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, tại Dự án 3 của Chương trình về Phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thủ tướng yêu cầu trang bị công cụ, phương tiện, thiết bị tác nghiệp cho lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đầu tư thiết bị, phần mềm chuyên dụng cho trung tâm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sao cho đến năm 2015, tất cả 100% công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được trang bị các công cụ, thiết bị chuyên dụng, được đào tạo kiến thức chuyên sâu về hệ thống, an ninh, an toàn mạng, bảo mật…

Cũng theo Quyết định trên, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an là cơ quan quản lý Chương trình, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện Chương trình theo quy định.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.