Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác giá tính thuế

Theo baohaiquan.vn

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vừa xây dựng đề án Tạo thuận lợi thương mại trong nghiệp vụ giá tính thuế áp dụng cho các DN có lưu lượng hàng hóa XNK lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan.

Doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật sẽ được tạo thuận lợi tốt nhất. Trong ảnh: Công chức Hải quan TP.HCM kiểm tra rượu nhập khẩu. Nguồn: PV.
Doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật sẽ được tạo thuận lợi tốt nhất. Trong ảnh: Công chức Hải quan TP.HCM kiểm tra rượu nhập khẩu. Nguồn: PV.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, tại các hội nghị đối thoại với DN do Cục Hải quan TP.HCM tổ chức, nhiều DN còn lo lắng, lúng túng về trị giá tính thuế. Qua phân tích, đánh giá, Cục Hải quan TP.HCM nhận thấy việc triển khai công tác giá tính thuế còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, khiếu nại tăng cao… Bên cạnh đó, ngày 21/3/2018, Hiệp hội DN châu Âu ban hành “Sách trắng” đề cập nhiều đến nghiệp vụ xác định trị giá tính thuế của cơ quan Hải quan.
Chính vì thế, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, cần phải thay đổi phương pháp quản lý theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục, đạt hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, thu hút nguồn thu NSNN từ cộng đồng DN. Đây cũng là lý do để Cục Hải quan TP.HCM xây dựng đề án Tạo thuận lợi thương mại trong nghiệp vụ giá tính thuế áp dụng cho nhóm 200 DN lớn.
Theo đề án, Cục Hải quan TP.HCM sẽ lựa chọn 200 DN chấp hành tốt pháp luật theo 3 tiêu chí cơ bản, gồm: Những DN lớn, hoạt động trong lĩnh vực XNK lâu năm, uy tín, đóng góp số thu NSNN lớn nhất, chiếm khoảng từ 45% đến 50% tổng số thu NSNN cho Cục Hải quan TP.HCM trong năm 2017; Tuân thủ và chấp hành tốt pháp luật hải quan, luôn hợp tác, gắn bó với Cục Hải quan TP.HCM; Chấp hành và hợp tác với cơ quan Hải quan khi tham gia đề án.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, đơn vị xây dựng và triển khai đề án này nhằm tiếp tục tạo thuận lợi thương mại trong nghiệp vụ giá tính thuế trong năm 2018 nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý chặt chẽ của cơ quan Hải quan và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về nghiệp vụ giá tính thuế, kể cả khi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ và Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính có sửa đổi, bổ sung. 

Với đề án này, Hải quan TP.HCM sẽ tạo sân chơi công bằng, bình đẳng cho tất cả các DN, tạo niềm tin cho cộng đồng DN về chương trình hành động của ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan TP.HCM nói riêng; hạn chế tối đa gian lận thương mại qua giá tính thuế đối với DN mới thành lập hoặc có vi phạm, tăng nguồn thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, hạn chế đến mức thấp nhất việc gây phiền hà, nhũng nhiễu cho DN khi công chức hải quan xác định dấu hiệu nghi vấn giá tính thuế “lặp đi, lặp lại cho cùng một mặt hàng giống hệt, cùng nhà sản xuất, cùng mức giá trong thời gian rất ngắn” mà DN đã nhập khẩu nhưng kết quả tham vấn và kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan vẫn có cùng kết quả với lô hàng đã nghi vấn - tham vấn trước đó.
Đồng thời, giảm bớt khối lượng công việc cho công chức hải quan khi bắt buộc phải thực hiện xác định nghi vấn đối với lô hàng giống hệt đã tham vấn hoặc đã kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan để tập trung kiểm tra tờ khai luồng xanh (mã số HS, xuất xứ, giá tính thuế….). Hạn chế sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và DN.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, mức giá tính thuế áp dụng cho 200 DN sẽ là “thước đo” để các chi cục hải quan sử dụng theo phương pháp hàng giống hệt, tương tự để xác định trị giá tính thuế cho các DN khác (ngoài 200 DN) mà không áp dụng linh hoạt giá tham chiếu để tính thuế cho DN, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện…
Đối với công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện đề án còn giúp cho Tổng cục Hải quan quản lý, chỉ đạo kịp thời nhiệm vụ triển khai nghiệp vụ giá tính thuế tại Cục Hải quan TP.HCM theo đúng mục tiêu: Tạo thuận lợi thương mại cho DN có kim ngạch XNK lớn, số thu NSNN cao nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý giá tính thuế.
Mức giá tính thuế áp dụng cho 200 DN đồng thời sẽ là căn cứ để các Chi cục Hải quan kiểm tra nghi vấn, xác định trị giá tính thuế chung cho tất cả các DN khác nhập khẩu cùng mặt hàng giống hệt, hạn chế tình trạng khai báo giá thấp rồi ngừng hoạt động, đóng mã số thuế, chây ỳ nợ thuế. Trường hợp DN đồng ý điều chỉnh mức giá tính thuế thì thực hiện khai báo bổ sung trong thời hạn 5 ngày, nếu không đồng ý thì tổ chức tham vấn ngay để bác bỏ giá khai báo, điều chỉnh giá tính thuế.
Hiện đề án chi tiết, với các giai đoạn triển khai cụ thể đang được Cục Hải quan TP.HCM xin ý kiến Tổng cục Hải quan để triển khai.