Tháo "nút thắt" kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực giao thông

Theo baohaiquan.vn

Thời gian vừa qua, dù Bộ Giao thông vận tải đã thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm, nhưng vẫn còn những chồng chéo trong công tác kiểm tra chuyên ngành giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ khác.

Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra ô tô nhập khẩu. Nguồn: PV.
Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra ô tô nhập khẩu. Nguồn: PV.

Không nhiều nhưng còn chồng chéo

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tính đến nay, số lượng các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải là 160 mặt hàng, trong đó có 107 mặt hàng đã được công nhận, thừa nhận kết quả kiểm tra chuyên ngành; 35 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, 125 mặt hàng kiểm tra sau thông quan.

Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã thừa nhận các kết quả, kiểm tra, thử nghiệm chứng nhận của EU, G7, các thỏa thuận hợp tác, thay thế lẫn nhau giữa Cục Đăng kiểm Việt Nam với các tổ chức đăng kiểm tàu thủy quốc tế (duy trì thỏa thuận thay thế lẫn nhau với 21 tổ chức đăng kiểm tàu thủy hàng đầu thế giới) và Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải không nhiều nhưng vẫn còn sự chồng chéo trong công tác này của Bộ Giao thông vận tải với các bộ khác. Cụ thể, mặt hàng máy kéo nông nghiệp phải kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải (tại Thông tư 89/2015/TT-BGTVT) và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Thông tư 50/2010/TT-BNNPTNT). Và mặt hàng xe gắn máy phân khối từ 175 cm3 trở lên vừa phải kiểm tra chất lượng theo Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải vừa phải xin cấp Giấy phép tự động theo Thông tư số 06/2007/TT-BTM của Bộ Công Thương.

Đáng chú ý, tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước kèm mã số HS đã quy định nhiều mặt hàng khi nhập vừa phải chứng nhận hợp quy vừa phải công bố hợp quy trước thông quan như ô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe ô tô chuyên dùng, xe máy chuyên dùng...; quy định một số mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan theo quy định tại các văn bản của Bộ Giao thông vận tải (như Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT đối với xe đạp điện; Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT đối với xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT đối với xe máy chuyên dùng…).

Như vậy, theo các quy định trên thì các mặt hàng này khi nhập khẩu phải chịu nhiều hình thức quản lý/kiểm tra trước khi thông quan và khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp phải xuất trình/nộp cho cơ quan Hải quan các chứng từ: bản công bố hợp quy, Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Cũng theo Thông tư 39 của Bộ Giao thông vận tải, mặt hàng xe nâng (mã số HS là 8427) phải chứng nhận và công bố hợp quy trước khi thông quan đồng thời cũng quy định mặt hàng xe nâng (xe nâng hạ xếp tầng hàng bằng cơ cấu càng nâng) có cùng mã số HS là 8427 phải chứng nhận và công bố hợp quy sau khi thông quan. Việc quy định không thống nhất như vậy gây khó khăn cho cả Hải quan và doanh nghiệp khi thực hiện để phân biệt được loại xe nâng nào phải chứng nhận và công bố hợp quy trước khi thông quan.

Rà soát lại các quy định về kiểm tra chuyên ngành

Trước thực trạng trên, Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát những mặt hàng còn chồng chéo chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra tại thời điểm thông quan để thống nhất biện pháp quản lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại công văn số 5621/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện quản lý theo hướng giảm danh mục phải kiểm tra tại khâu thông quan ít nhất có thể, chuyển sang hậu kiểm, giảm hình thức quản lý, kiểm tra tại khâu thông quan, đồng thời làm rõ cơ quan Hải quan không phải kiểm tra Giấy chứng nhận hợp quy trong quá trình thông quan hàng hóa. Bộ Giao thông vận tải cũng cần hướng dẫn rõ hình thức quản lý đối với từng loại xe nâng để cơ quan Hải quan và doanh nghiệp áp dụng và thực hiện thuận lợi, thống nhất.

Bên cạnh đó, để thống nhất mã số hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phù hợp với Danh mục AHTN 2017 (xây dựng trên cơ sở HS 2017 của Tổ chức Hải quan thế giới WCO) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Cục Giám sát quản lý về Hải quan kiến nghị, đối với các văn bản chưa công bố Danh mục chuyên ngành hoặc đã ban hành Danh mục chuyên ngành nhưng chưa kèm theo mã số HS đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ động xây dựng Danh mục và phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để thống nhất mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017.

Đối với các Danh mục chuyên ngành đã có mã số HS dựa trên Danh mục AHTN 2012 (theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC), đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ động rà soát, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để chuyển đổi và thống nhất mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017.

Cho ý kiến về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần áp dụng mạnh mẽ hình thức kiểm tra chuyên ngành chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phương thức quản lý rủi ro, đánh giá sự tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp nào làm tốt cần tạo điều kiện cho họ, áp dụng công nhận lẫn nhau của các nước tiên tiến.