Tổng cục Hải quan và Bộ NN&PTNT rà soát về một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành

Thực hiện rà soát về một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành

Theo baohaiquan.vn

Tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan về triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành diễn ra sáng 7-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ phải chuyển phương thức quản lý thanh tra, kiểm tra của CBCC theo lối truyền thống hiện nay sang áp dụng quản lý rủi ro, tức là có phân loại hàng hóa để kiểm tra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn họp bàn về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn họp bàn về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành.

Một cửa quốc gia lĩnh vực nông nghiệp đã hiệu quả

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai đơn vị đã thống nhất tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và người dân đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia sẽ ghi nhận kết quả triển khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nắm bắt vướng mắc để báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia có giải pháp tháo gỡ.

Đánh giá hiệu quả của Cơ chế một cửa quốc gia, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, từ khi triển khai thủ tục đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi NK đã có hơn 21.000 hồ sơ đăng ký trên Hệ thống một cửa quốc gia. Hiện DN không cần trực tiếp đến cơ quan kiểm tra để thực hiện thủ tục hành chính, không phải mất thời gian, chi phí gửi và nhận kết qua qua đường bưu điện. Chỉ tính riêng chi phí chuyển phát nhanh gửi và nhận kết quả kiểm tra đã tiết kiệm trên 400 triệu đồng cho các DN.

Bên cạnh đó, việc triển khai thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia đã thay đổi căn bản phương thức làm việc của CBCC theo hướng chuyên nghiệp hơn, góp phần hiện đại hóa công sở; công khai minh bạch hoạt động của CBCC cũng như tổ chức dịch vụ công liên quan đến lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, một thủ tục cũng mang lại nhiều lợi ích cho DN là thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh, vận chuyển nội địa. Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, đây là thủ tục chiếm nhiều hồ sơ nhất. Vì vậy, khi triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho DN, được DN đánh giá cao. Bởi với phương thức thủ công như trước đây, DN phải đi lại ba lần để làm hồ sơ cấp phép, nay chỉ cần một lần; thủ tục kiểm dịch thực vật NK đã giảm từ 8 loại giấy tờ xuống 3 loại giấy tờ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục triển khai mở rộng các thủ tục hiện hành ra các địa bàn, DN còn lại trong cả nước, đồng thời mở rộng các thủ tục mới như: Cấp giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật NK; kiểm dịch động vật NK; kiểm dịch sản phẩm động vật NK; thủ tục kiểm dịch thủy sản XK  không làm thực phẩm; thủ tục kiểm dịch sản phẩm thủy sản XK không dùng làm thực phẩm.

Để triển khai kế hoạch này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Tổng cục Hải quan rà soát cơ sở pháp lý liên quan đến các thủ tục hành chính dự kiến sẽ triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu.

Cần giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành

Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, theo Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với Tổng cục Hải quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, phối hợp triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung…

Tuy nhiên, lĩnh vực, mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ rất rộng, chính vì vậy hầu hết vướng mắc liên quan về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đều “có mặt” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm giải quyết các vướng mắc về công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Cụ thể, danh mục mặt hàng cần chi tiết tên hàng, hoàn thiện danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm với đầy đủ mã số HS; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm tra; áp dụng quản lý rủi ro, tăng cường miễn, giảm kiểm tra; điện tử hóa và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia trong việc đăng ký và trả kết quả kiểm tra.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng, danh mục hàng hóa cần thu hẹp, chuyển những mặt hàng có độ rủi ro thấp sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã thông quan. Ngoài ra, về công tác kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật trước thông quan kèm mã số HS, nhưng một số nhóm hàng có mã số HS chưa phù hợp với Biểu thuế XK, biểu thuế NK ưu đãi…

Trước vấn đề tồn tại Tổng cục Hải quan nêu, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu lên định hướng khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, đại diện Cục Bảo vệ thực vật thừa nhận nhiều lô hàng vừa phải kiểm dịch thực vật vừa kiểm tra an toàn thực phẩm vô hình trung gây khó khăn cho DN.

Hiện nay Cục đang đề nghị Bộ sửa Thông tư 12/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật NK theo hướng giảm bớt mức độ kiểm tra, đưa vào kiểm tra sau thông quan. Đồng thời, hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật đối với lô hàng NK vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa phải kiểm dịch thực vật để đơn giản hóa thủ tục, tăng cường đánh gia nguy cơ trước từ nước XK đối với các lô hàng NK để giảm thiểu nhiều thời gian kiểm tra khi lô hàng NK về Việt Nam.

Trước những vấn đề được các đơn vị đưa ra bàn thảo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn yêu cầu các đơn vị thuộc bộ sớm rà soát chuẩn bị đánh giá kết quả triển khai thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, từ đó có đánh giá, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, bộ ngành và các đơn vị liên quan.

Đây là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho năm 2017. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát các nội dung liên quan đến Cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan cho hàng hóa XNK.

Đặc biệt, việc phải làm ngay là tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan rà soát hệ thống văn bản pháp luật, thống nhất quan điểm chuyển từ quản lý thanh tra, kiểm tra của CBCC theo lối truyền thống, thủ công sang áp dụng quản lý rủi ro, tức là có phân loại hàng hóa để kiểm tra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn:

Trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong các bộ tích cực tham gia triển khai. Đến nay đã có 9 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ liên quan đến hàng hóa XNK triển khai thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, với 1026 DN tham gia, tổng số bộ hồ sơ là 25.888 bộ.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn:

“Phương pháp quản lý rủi ro, cơ quan Hải quan đã làm rất tốt, vì vậy từng đơn vị cần xem xét để tích hợp với hệ thống Hải quan. Cố gắng đơn giản hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra. Không để một danh mục mặt hàng có hàng chục nghìn mặt hàng thì Hải quan cũng không tra nổi”.