Tốn 14.300 tỷ đồng chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng vi phạm

Theo baohaiquan.vn

Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK có những chuyển biến, nhưng sự ì ách còn rất lớn, nhất là liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng)- Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn: PV.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng)- Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguồn: PV.

Tổ công tác của Thủ tướng vừa kiểm tra 4 bộ (Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông) về cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, đồng thời công bố công khai các bộ đã làm tốt và những bộ còn chưa đạt chỉ tiêu.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng- Tổ trường Tổ công tác của Thủ tướng, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Nhưng đến nay, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, mới cắt được 1.517 điều kiện; trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Bộ Giao thông vận tải là đơn vị đầu tiên có các phương án về cắt giảm các điều kiện kinh doanh với cam kết cắt giảm 56% điều kiện, nhưng đã hơn 4 tháng vẫn chưa xong.

Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành đã giảm cơ bản danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chồng chéo.

Tuy nhiên, chi phí phải bỏ ra thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong khi tỷ lệ phát hiện vi phạm chưa tương xứng.

Năm 2017, các doanh nghiệp mất đến 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho kiểm tra chuyên ngành với trên 100.000 mặt hàng phải kiểm tra, nhưng cơ quan quản lý chỉ phát hiện 0,06% số lô hàng có vi phạm, một tỷ lệ rất thấp…

Bên cạnh ghi nhận một số bộ vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra, Tổ công tác của Thủ tướng cũng chỉ rõ có những bộ còn rất nhiều dòng hàng chưa cắt giảm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ những tồn tại trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là nhiều cơ quan chưa áp dụng quản lý rủi ro. Đơn cử như đã có quy định nếu 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu thì lần thứ 4 không phải kiểm tra, nhưng thực tế cơ quan quản lý vẫn kiểm tra.

Mặt khác, theo kết quả mới nhất trong năm 2018 tỷ lệ lô hàng vi phạm cũng mới phát hiện 0,06%, tức là không khác gì năm 2017, không có tiến bộ. “Điều này chứng tỏ dư địa cải cách còn rất lớn, doanh nghiệp của chúng ta cũng có ý thức tuân thủ quy định rất tốt”- Tổ trưởng Tổ công tác nhận xét.

“Số tờ khai hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã giảm, nếu năm 2015 tỷ lệ lô hàng phải làm tờ khai lên tới 30% thì năm 2017 đã giảm còn 19,4%. Ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về kinh doanh ô tô, cơ quan Hải quan đã rất đổi mới, vận dụng linh hoạt để 200 xe, 400 xe cũng coi là một lô hàng, còn trước đây nếu lượng xe quá 2 con số là phải khai sang tờ khác”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.