Trường Hải quan Việt Nam: Đổi mới cơ bản công tác đào tạo

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Với mục tiêu xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) Hải quan nắm vững chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại, Trường Hải quan Việt Nam đã tập trung đổi mới công tác đào tạo, là gắn việc học sát với thực tế, theo hướng chuyên sâu.

Trường Hải quan Việt Nam: Đổi mới cơ bản công tác đào tạo
Phó Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Công Bình kiểm tra thi trắc nghiệm trên máy tính tại Trường Hải quan Việt Nam. Nguồn: baohaiquan.vn

Theo Quyết định số 02/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-1- 2010, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng công chức Hải quan chính thức trở thành Trường Hải quan Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ “Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho CBCC trong ngành Hải quan; tổ chức đào tạo, cung cấp các dịch vụ tư vấn về đào tạo, bồi dưỡng có liên quan đến lĩnh vực Hải quan cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”.

Xác định mục tiêu đào tạo theo nhu cầu của Ngành, đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, phấn đấu trở thành một đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp sản phẩm đào tạo chất lượng cao của Ngành, trong những năm qua, Trường Hải quan Việt Nam đã nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo từ triết lý giáo dục, nội dung chương trình đến phương pháp giảng dạy, tổ chức Nhà trường. Trong đó, Nhà trường đã đổi mới công tác đánh giá chất lượng học tập của học viên. Bên cạnh hình thức thi viết truyền thống, Nhà trường đã và đang áp dụng hình thức thi trắc nghiệp và thi vấn đáp nhằm đánh giá đúng chất lượng học viên.

Đồng thời, để đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa, Nhà trường cũng chú trọng, mở rộng các lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho CBCC chủ chốt trong ngành, đặc biệt đào tạo cho cộng đồng DN. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Nhà trường đã mở nhiều lớp đào tạo chuyên sâu, nâng cao nghiệp vụ như: Thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành Hải quan, quản lý rủi ro… Đặc biệt Nhà trường còn liên kết với các địa phương tổ chức nhiều lớp đào tạo VNACCS/VCIS cho cộng đồng DN.

Năm 2013, Trường Hải quan Việt Nam được giao đào tạo 46 lớp với tổng số 2.150 lượt học viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Nhà trường đã trình xin bổ sung 6 lớp chuyên sâu với 240 lượt học viên. Tới thời điểm này, Trường Hải quan Việt Nam đã tổ chức đào tạo 50 lớp, đạt 109% kế hoạch với tổng số 2.642 lượt học viên, đạt 123% số lượng học viên theo kế hoạch. Trong đó, lớp đào tạo nghiệp vụ hải quan dành cho công chức tuyển mới đạt 119% kế hoạch được giao.

Theo đại diện Trường Hải quan Việt Nam, Nhà trường đang, đã và sẽ cải tiến chương trình đào tạo để đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn, đáp ứng nhu cầu của ngành. Về đổi mới phương pháp giảng dạy, chủ trương của trường là giảng viên phải coi người học là trung tâm, gắn học lý thuyết sát với thực tế.

Đại diện lãnh đạo Nhà trường cho biết, bắt nhịp với không khí khẩn trương của toàn ngành, từ tháng 8, các cán bộ, giảng viên nhà trường đã chủ động tiếp cận các kiến thức về Hệ thống VNACCS/VCIS và tự biên soạn giáo án, giảng thử. Đến nay, số cán bộ, giảng viên này đã đủ vững vàng, tự tin để đảm nhận công tác giảng dạy các kiến thức về Hệ thống VNACCS/VCIS cho CBCC trong ngành cũng như cộng đồng DN.

Để đổi mới công tác đào tạo đạt kết quả tốt, Trường Hải quan Việt Nam xác định xây dựng Nhà trường từng bước chính quy và trở thành Nhà trường tiên tiến trong khu vực vào năm 2020. Với quyết tâm, đổi mới công tác đào tạo, Nhà trường sẽ chuẩn hóa Hệ thống khung chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy ở tất cả các lĩnh vực đào tạo thường xuyên. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngạch công chức chuyên ngành Hải quan: Kiểm tra viên, Kiểm tra viên chính cho CBCC trong ngành. Phối hợp, hỗ trợ các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc đào tạo các kiến thức về Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS cho đội ngũ CBCC, viên chức trong Ngành và công đồng DN. Cải tạo cơ sở vật chất đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo theo phương pháp mô phỏng thực tế như  Chi cục ảo, giáo cụ trực quan.

Đi liền với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, Trường Hải quan Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị Hải quan địa phương tổ chức đào tạo nhiều lớp nghiệp vụ hải quan chuyên sâu cho CBCC, đặc biệt là tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo cho cộng đồng DN. Đây cũng chính là giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng lực lượng Hải quan chuyên nghiệp, vững mạnh, thực hiện thành công Đề án cải cách, hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2015 của Nhà trường, góp phần thực hiện thành công công cuộc cải cách, hiện đại hoá và nhiệm vụ của ngành Hải quan trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo, Nhà trường đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ngoài ngành. Điển hình từ năm 2012 đến nay, Nhà trường đã phối hợp với Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự… tổ chức được 44 khóa đào tạo chuyên sâu cho CBCC. Trong đó, năm 2012, đào tạo được 12 lớp và năm 2013 đã phối hợp đào tạo được 32 lớp đào tạo chuyên sâu cho CBCC. Đặc biệt, mới đây nhất, Nhà trường đã phối hợp với Học viện An ninh nhân dân  tổ chức hai khóa học Nâng cao kỹ năng sử dụng súng quân dụng. Trong đó, bồi dưỡng cho CBCC hải quan có điều kiện học tập, tìm hiểu thực tế để nâng cao trình độ nghiệp vụ hải quan, bổ sung kiến thức thực tế, đồng thời tạo điều kiện cho học viên các lớp nghiệp vụ tìm hiểu và nắm bắt tình hình thực tế qua các khâu nghiệp vụ tại các đơn vị ngoài ngành.

Đặc biệt, Nhà trường đã phối hợp với các đơn vị địa phương tổ chức đào tạo thành công nhiều khóa học dành cho cộng đồng DN như: Lớp khai nghiệp vụ hải quan, đào tạo VNACCS/VCIS và được nhiều DN hưởng ứng tham gia. Bên cạnh đó, chỉ trong tháng 6, nhà trường đã tổ chức thành công Lớp tập huấn công tác Văn phòng với chương trình và giáo trình đổi mới tại TP. Đà Nẵng; Lớp đào tạo thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành Hải quan…