Cải thiện năng lực nội sinh của nền kinh tế

Theo Quang Khánh/daibieunhandan.vn

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 5/6, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần rút ra những bài học từ thực tiễn, cải thiện năng lực nội sinh, tăng sức chống chịu để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới.

Toạ đàm cấp cao phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều ngày 5.6. Ảnh: Quang Khánh/daibieunhandan.vn
Toạ đàm cấp cao phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều ngày 5.6. Ảnh: Quang Khánh/daibieunhandan.vn

Bốn bài học cho nền kinh tế tự chủ

Khẳng định kinh tế Việt Nam dù trong giông bão, nhưng vẫn “trụ hạng”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên rút ra những bài học cho nền kinh tế tự chủ.

Đầu tiên là các yếu tố bao gồm bản lĩnh, năng lực "dĩ bất biến ứng vạn biến", linh hoạt trong chính sách, nhạy bén quyết đoán và quyết liệt hành động. Tiếp đến là chống dịch nhưng không làm đứt gãy chuỗi nền kinh tế thị trường. Bởi nền kinh tế thị trường đứt gãy thì chuỗi hàng hóa, chuỗi tiền, chuỗi lao động đứt gãy, tức nền kinh tế đứt gãy.

Ông Thiên cũng cảnh báo "sức sống tiềm tàng" của phương thức quản lý mệnh lệnh. Nếu còn duy trì, nền kinh tế thị trường khó vươn lên. Cuối cùng là Chương trình phục hồi kinh tế không phải chỉ phục hồi mà phải tận dụng cơ hội để phát triển.

Tuy vậy, theo ông Thiên, nền kinh tế nước ta có độ mở cao nhưng chưa mạnh. Trong khi đó, thế giới đang thay đổi, nhiều rủi ro, bất trắc và đang cấu trúc lại. Do vậy, chúng ta đứng trước cơ hội lớn nhưng thách thức cao. "Chúng ta không mạnh nhưng có tầm nhìn, có khát vọng để vươn lên. Việt Nam đang có nền tảng tốt cho phát triển. Đây là yếu tố giúp chúng ta phát triển, dứt khoát không được lãng phí cơ hội", ông Thiên nhấn mạnh.

Cải thiện nội lực

Phân tích vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng… là yêu cầu đặt ra với Việt Nam và có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm nền kinh tế không bị phụ thuộc, chi phối lớn bởi bên ngoài.

Một nền kinh tế có nội lực mạnh sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, trong khi hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả sẽ tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Theo ông Thành, thực tế tư duy “đi tắt, đón đầu” và những lợi ích của Cách mạng Công nghệ 4.0 nếu được tận dụng tốt cũng là một trong những cách thức giúp chúng ta có được độc lập, tự chủ nhờ hội nhập. Mặt khác, điều này giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển trong bối cảnh mới. 

"Ở đây cần năng lực để dám hội nhập và biết cách hội nhập, tận dụng không gian mới để tạo nên năng lực cho mình, cho đất nước mình. Đó là ý nghĩa của nội lực, chứ không chỉ là dựa vào nguồn lực bên ngoài". Bên cạnh đó, cải thiện nội lực cũng để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, rủi ro từ bên ngoài.

Ông Thành cho rằng, với nền kinh tế Việt Nam, cải thiện nội lực gắn với bản chất của công cuộc cải cách, đó là năng lực thể chế, bên cạnh mở rộng không gian phát triển, năng lực quản trị của doanh nghiệp, cá nhân. Ở Việt Nam, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình phát triển chính là hàm ý cải thiện năng lực nội sinh, năng lực tự chủ của nền kinh tế. Cùng với đó là các nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút vốn FDI có chất lượng, nâng giá trị gia tăng trong quá trình xuất nhập khẩu, tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để tăng khả năng chống chịu và cải thiện năng lực nội sinh của nền kinh tế, ông Thành cho rằng trước hết cần ổn định kinh tế vĩ mô và sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ, cùng cải cách, giám sát, vận dụng tốt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách tài chính tiền tệ cần tạo được “tấm đệm” nguồn lực. Thứ hai, cấu trúc nền kinh tế khi chuyển dịch phải đủ đa dạng, đủ uyển chuyển, giảm thiểu rủi ro, quan tâm tới những mặt hàng chiến lược.

Cuối cùng là tạo dựng hệ thống an sinh xã hội giữa tấm an sinh xã hội chính thức và kết hợp được văn hóa yêu thương, chia sẻ của Việt Nam. Muốn làm được, cần có sự chủ động về hàng hóa cơ bản như năng lượng, lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, để khi cần huy động có thể thực hiện được, ông Thành nhấn mạnh.