Cần chính sách đột phá trên nhiều lĩnh vực để phục hồi kinh tế, đảm bảo thu ngân sách bền vững

Trần Huyền (thực hiện)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV cho rằng, cần có các chính sách đột phá trên nhiều lĩnh vực để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, từ đó đảm bảo thu ngân sách bền vững.

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Thưa ông, chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, theo ông, bối cảnh thời gian qua có tác động như thế nào đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm nay?

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí: Năm 2023, chúng ta thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách, chính sách tài khóa trong bối cảnh rất khó khăn, chịu tác động rất nhiều áp lực từ bên ngoài do sự biến động của thế giới trên bình diện khó lường cả về kinh tế và địa chính trị.

Tổng cầu của thế giới suy giảm mạnh, dẫn đến nguồn xuất khẩu của chúng ta bị cắt giảm. Do đó, tình hình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là của doanh nghiệp xuất khẩu có thị trường truyền thống, phát triển mạnh đều bị cắt giảm. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trong bối cảnh này, Quốc hội, Chính phủ đã rất quyết liệt đưa ra các chính sách tài khóa, thậm chí là chưa từng có trong tiền lệ như Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và rất nhiều các chính sách tài khóa khác như miễn giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các chính sách này dẫn đến hụt nguồn thu của nhiều địa phương trên cả nước, cùng với bối cảnh khó khăn chung đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước cả ở cấp địa phương và Trung ương.

Phóng viên: Theo ông, cần triển khai những giải pháp trọng yếu nào để hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước bền vững, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí: Để đảm bảo thu ngân sách bền vững, chúng ta cần triển khai rất nhiều các giải pháp thậm chí cần thiết có chính sách đột phá, tổng thể, toàn diện trên nhiều lĩnh vực thì mới có thể đáp ứng đủ dư địa triển khai đầu tư các cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia – một trong những nhu cầu rất lớn của nước ta để bảo đảm cơ sở hạ tầng theo kịp các nước trong khu vực.

 

"Với tinh thần trách nhiệm vì Đất nước, các đại biểu Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ sẽ đồng hành để có chính sách kịp thời, tạo sự lan tỏa với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân để sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững hơn".

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí

Chúng ta phải bảo đảm các chính sách tài khóa, tiền tệ tín dụng... để khơi thông dòng vốn, khơi thông nguồn lực xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi nhanh và ổn định hơn. Khi đó sẽ đóng góp lại vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, phục hồi kinh tế - xã hội, bối cảnh này đòi hỏi Chính phủ có các biện pháp khác có tính mạnh mẽ hơn để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Khi tiêu dùng được khơi thông, chắc chắn sẽ đóng góp vào thu ngân sách quốc gia.

Mặt khác, Chính phủ cần có các chính sách chiến lược hơn, củng cố lại thị trường xuất khẩu, tìm các thị trường mới. Đây là cơ hội trên cơ sở mở rộng quan hệ đối ngoại của nước ta trong thời gian vừa rồi. Khi mở rộng quan hệ đối ngoại, chúng ta sẽ tìm được các thị trường mới, giúp doanh nghiệp không bị phụ thuộc vào một vài đối tác, một vài thị trường và giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Ông dự báo như thế nào về bối cảnh năm 2024, kỳ vọng sự phục hồi kinh tế - xã hội cũng như công tác thu ngân sách nhà nước?

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí: Năm 2024, nền kinh tế nước ta được dự báo chưa thoát khỏi khó khăn do tác động của tình hình thế giới. Đến thời điểm này, chúng ta cũng đánh giá các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này tác động nhất định đến thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024.

Tôi kỳ vọng, trên cơ sở các chính sách Chính phủ đang đề xuất và Quốc hội đang bàn sẽ có các giải pháp hiệu quả được quyết nghị để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, có dư địa thực hiện an sinh xã hội.

Các chính sách cụ thể tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân hiện vẫn đang được Quốc hội bàn thảo. Với tinh thần trách nhiệm vì Đất nước, các đại biểu Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ sẽ đồng hành để có chính sách kịp thời, tạo sự lan tỏa với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân để sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!