Cần đồng bộ giải pháp khắc phục tình trạng lương không theo kịp giá


Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở đối với người hưởng lương từ ngân sách sẽ tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8%. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng lương không theo kịp giá cần có sự tính toán kỹ càng và phối hợp hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt. (Nguồn: ITN)
Mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt. (Nguồn: ITN)

Doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức

Trong văn bản báo cáo UBND TP. Hồ Chí Minh gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây cho thấy, do nhiều biến động của thế giới và Việt Nam, hầu hết các loại hình doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, dẫn đến việc trả lương chậm trễ, nhiều người lao động phải nghỉ không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, thậm chí bị mất việc làm.

Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu cho công tác phòng chống dịch, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên việc tính toán tăng lương cho người lao động cũng như rà soát, xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định cũng chưa được quan tâm nhiều.

TP. Hồ Chí Minh cũng gặp tình trạng tương tự như nhiều địa phương trên cả nước khi nhiều doanh nghiệp cũng có quy định về nâng bậc lương, tuy nhiên thực tế không áp dụng. Cụ thể, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh tăng thêm tiền lương cho người lao động để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mà không nâng bậc lương cho người lao động theo thỏa thuận, dẫn đến người lao động làm việc lâu năm cũng như người mới tuyển dụng vẫn xếp vào bậc một của thang lương, bảng lương. Cách tính lương, nâng lương của doanh nghiệp chủ yếu theo khả năng, năng lực người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp do chủ sử dụng lao động quy định.

Một số doanh nghiệp lại thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu trên hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định nhưng đồng thời điều chỉnh giảm hoặc bỏ hệ số đã đăng ký thực hiện trước đây. Do đó, mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.

Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ về vấn đề này và nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện nhà nước chưa chính thức thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, ngày 1/7 tới, tiền lương sẽ được điều chỉnh tăng để tương thích với tình trạng trượt giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát tăng cao.

"Do tình hình kinh tế xã hội trong và ngoài nước hiện đang nhiều khó khăn nên tạm thời nhà nước chưa thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nhưng sẽ điều chỉnh cho phù hợp thực tế", Bộ trưởng trao đổi.

Tăng lương bảo đảm mức sống tối thiểu

Theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh chính sách tiền lương hiện nay sẽ tập trung vào các đối tượng như: Cán bộ công chức, viên chức; người làm công ăn lương; người có công với cách mạng; người thuộc diện bảo trợ xã hội; người có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ hưu trí, cán bộ y tế tuyến xã, tuyến cơ sở; giáo viên… Việc điều chỉnh chính sách tiền lương với các đối tượng này nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu.

"Chúng ta đang đứng trước một năm 2023 rất khó khăn, cả thế giới đang chao đảo. Sau COVID-19, kinh tế - xã hội gặp khủng hoảng. Nhìn chung các nước đều đang rơi vào tình trạng lạm phát rất lớn, tăng trưởng chậm lại… Đảng và Nhà nước đã không ngừng cố gắng thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, khai thác tiềm năng sẵn có, duy trì sự ổn định trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước.", Bộ trưởng thông tin thêm.

Hàng hóa dồi dào và các chính sách kiểm soát lạm phát sẽ khiến mức tăng lương 20,8% từ ngày 1/7/2023 thực sự có ý nghĩa với người hưởng lương từ ngân sách. (Nguồn: ITN)
Hàng hóa dồi dào và các chính sách kiểm soát lạm phát sẽ khiến mức tăng lương 20,8% từ ngày 1/7/2023 thực sự có ý nghĩa với người hưởng lương từ ngân sách. (Nguồn: ITN)

Liên quan đến thắc mắc của nhiều cử tri về việc in thêm tiền để tăng lương sẽ là nguyên nhân gây ra lạm phát, Bộ Tài Chính đã lý giải nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hằng năm. Như vậy, nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền” - tăng cung tiền, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, như nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến CPI khó có thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, sau thời gian tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm cả lãi suất huy động lẫn cho vay. Lãi suất giảm, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, thì sẽ giảm được giá bán sản phẩm. Cùng đó, việc Bộ Tài chính quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí năm 2023 áp dụng như năm 2022, góp phần rất lớn làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023. Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều. Lộ trình tăng lương cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới đưa mặt bằng tiền lương thực tế của người lao động khu vực công bằng mức thu nhập trung bình cao ở khu vực đô thị. Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn