Cần sự phối hợp đồng bộ để thị trường chứng khoán Việt Nam nâng hạng theo đúng lộ trình

Minh Lâm

Lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam về cơ bản đã đạt được nhiều tiêu chí của tổ chức quốc tế, chỉ còn một vài nút thắt đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành có liên quan, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn.

Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường

Sáng 10/10 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức Hội thảo: “Nâng hạng TTCK và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết".

Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán, các thành viên thị trường.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư khẳng định, nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững yêu cầu "khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".

Ngày 22/9 vừa qua, trong buổi toạ đàm với các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định các thị trường của Việt Nam, bao gồm TTCK được xây dựng đều phải hội nhập, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế và tham gia vào các hoạt động chung của quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực hết mình để nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo. 
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo. 

Việc nâng hạng TTCK được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, dù cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp, các tổ chức xếp hạng thị trường vẫn chưa chấp thuận nâng hạng đối với TTCK Việt Nam.

Cần có sự phối hợp “ăn ý” giữa các bộ, ngành

Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết TTCK Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xây dựng các bộ chỉ số quốc tế là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm Thị trường Cận biên, trong đó FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Thị trường Mới nổi từ tháng 9/2018. TTCK Việt Nam được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức Thị trường Cận biên.

Từ năm 2019, UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bên có liên quan để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại để TTCK sớm được nâng hạng theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề cập 2 nhóm vấn đề lớn cần tháo gỡ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan, bao gồm: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại). Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) đánh giá áp dụng mô hình Đối tác Bù trừ Trung tâm (CCP), với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc prefunding.

Còn với vấn đề room ngoại, các đại biểu thống nhất cần đẩy nhanh áp dụng sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), trong bối cảnh các quy định pháp lý cho sự ra đời của sản phẩm này đã được ban hành đầy đủ.

TS. Cấn Văn Lực -Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV lưu ý kỳ "review" của MSCI được thực hiện định kỳ vào tháng 6 hàng năm, trong khi với FTSE là tháng 3 và tháng 9 hàng năm, điều đó có nghĩa để nâng hạng trước năm 2025 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 1 năm để chạy đua với hàng loạt tiêu chí.

Do đó, mục tiêu nâng hạng TTCK trước năm 2025 là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm rất lớn và sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

Minh bạch hoá thông tin để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên thị trường là việc minh bạch công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. PGS. TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) nhận định thời gian qua, chất lượng công bố thông tin đã có sự cải thiện đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, tuy nhiên chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, trong khi đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa dành nhiều sự quan tâm tới công tác công bố thông tin nói chung và công bố thông tin bằng tiếng Anh nói riêng.

Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy, chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.

Về mức độ dễ hiểu của thông tin, 2021-2025 là giai đoạn các doanh nghiệp Việt Nam tự nguyện áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS, trước khi bắt buộc áp dụng từ sau năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi còn chậm. Theo khảo sát của Deloitte, trong số các doanh nghiệp hiện đang áp dụng IFRS, chỉ có khoảng 30% áp dụng đầy đủ chuẩn mực của IFRS, 70% còn lại chỉ thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày BCTC.

Đại diện lãnh đạo các tập đoàn niêm yết lớn như Vinamilk, FPT đánh giá mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của TTCK Việt Nam, thể hiện ở quy mô và tính minh bạch của thị trường, hai yếu tố bền vững giữ chân nhà đầu tư nước ngoài lâu dài. Bởi vậy, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần ý thức và nâng cao công tác minh bạch công bố thông tin.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề cập nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác công bố thông tin của công ty niêm yết, như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực, đạo đức của người hành nghề chứng khoán...

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mong rằng, thông qua Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp quý báu, cũng như đề xuất các giải pháp thực tiễn có hiệu quả được đề xuất, nhằm thúc đẩy việc công bố thông tin minh bạch, hiệu quả hơn của các thành viên thị trường, hỗ trợ công tác nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi.