Tỉnh Quảng Nam:

Chậm chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Theo Vĩnh Lộc/ Báo Quảng Nam

Dù UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Công Thương đã ban hành văn bản đề nghị chuyển đổi các ban quản lý chợ truyền thống sang mô hình doanh nghiệp quản lý từ nhiều tháng trước, nhưng đến nay việc triển khai tại nhiều địa phương rất chậm chạp, thậm chí chưa có sự chuyển biến.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống tại nhiều địa phương vẫn còn rất chậm do thiếu văn bản hướng dẫn. Ảnh: V. Lộc
Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống tại nhiều địa phương vẫn còn rất chậm do thiếu văn bản hướng dẫn. Ảnh: V. Lộc

Chờ hướng dẫn

Chợ Vĩnh Điện là một trong những ngôi chợ lớn của thị xã Điện Bàn. Để quản lý hơn 400 gian hàng kinh doanh, buôn bán cố định nơi đây, Ban Quản lý chợ Vĩnh Điện phải hợp đồng 12 nhân viên, lao động. Với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, tổng quỹ lương mỗi năm ban quản lý phải chi trả cho người lao động khoảng 600 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Tuất - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện, doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng, tất cả được để lại cho đơn vị sử dụng.

“Tôi nghĩ mô hình như hiện nay ổn, bởi nếu ban quản lý hoạt động kém hiệu quả sẽ không có nguồn thu chi trả lương nhân viên, lao động còn những việc lớn như sửa chữa thì mình phải xin hỗ trợ từ Nhà nước chứ đơn vị không đủ khả năng” - ông Tuất chia sẻ.

Toàn tỉnh hiện có 159 chợ, bao gồm 2 chợ cấp 1 (Hội An, Tam Kỳ), 13 chợ cấp 2 và 144 chợ cấp 3. Chợ Vĩnh Điện là chợ cấp 2, do UBND thị xã Điện Bàn quản lý. Ngày 4/6, Sở Công Thương ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị cung cấp thông tin về tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh khai thác chợ, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 02, ngày 19.1.2019 của UBND tỉnh về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, những chợ đang hoạt động do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt phải chuyển đổi mô hình quản lý từ ban quản lý, tổ quản lý, xã, phường, thị trấn quản lý chợ hoặc tư nhân quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác. Dù vậy, đến nay việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ hầu như chưa được các địa phương triển khai.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo lộ trình 3 năm (từ năm 2022 - 2025), nhưng phải chờ UBND tỉnh điều chỉnh lại Quyết định 02 cho phù hợp với Luật Đầu tư mới.

“Doanh nghiệp chỉ đấu thầu quản lý, khai thác, kể cả sửa chữa cơ sở vật chất tại chợ, còn lại đất đai tài sản vẫn của Nhà nước, nhưng hiện nay việc quy định này chưa rõ ràng nên phải chờ văn bản hướng dẫn” - ông Chơi lý giải, đồng thời đề xuất, việc chuyển đổi cần tính toán dựa trên tình hình thực tế, với một số chợ loại 3 do xã, phường quản lý có quy mô nhỏ khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, do đó với những chợ thuộc loại này nên tiếp tục cho địa phương quản lý.

Từng bước tháo gỡ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã là cần thiết nhằm khai thác hiệu quả kinh tế, đặc biệt giúp Nhà nước giảm bớt gánh nặng quản lý, nguồn thu cũng ổn định hơn, không phải chịu áp lực về đầu tư khi cơ sở vật chất xuống cấp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải có lộ trình, nhất là trong việc xử lý tài sản công của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, chuyển đổi mô hình quản lý chợ không chỉ liên quan con người hay hiệu quả khai thác mà còn liên quan đến tài sản Nhà nước đầu tư vào các chợ trước khi chuyển sang doanh nghiệp nên phải nghiên cứu kỹ. Thành phố đang giao cho Phòng Kinh tế tham mưu kỹ càng trình ra thường vụ trước khi triển khai.

Thực tế, việc đầu tư xây dựng các chợ rất tốn kém nhưng Nhà nước hầu như không thu được, thậm chí một số nơi hoạt động khai thác còn lỗ, chưa kể nguồn ngân sách bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm cũng tiêu tốn số tiền khá lớn.

Ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng Kinh tế TP. Tam Kỳ nhìn nhận, nếu chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho doanh nghiệp quản lý chắc chắn sẽ hiệu quả. Dù vậy, khó nhất hiện nay là kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là với những chợ loại 3.

Tính đến tháng 10/2021 toàn tỉnh có 4 chợ do doanh nghiệp quản lý và 9 chợ do HTX quản lý, phần lớn hiệu quả. Năm 2014, Công ty TNHH MTV Tâm Tài Đức đứng ra thầu quản lý chợ Điện Ngọc từ Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam, đến nay qua hơn 7 năm hoạt động, hiệu quả khá tích cực. Số tiểu thương đăng ký vào chợ khoảng 320 người, dự kiến sẽ đạt 600 tiểu thương vào đầu năm 2022, lãi ròng mỗi năm khoảng 600 triệu đồng.

Ông Huỳnh Mót - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Tài Đức chia sẻ, yếu tố thành công của doanh nghiệp khi quản lý chợ là tính chuyên nghiệp và trách nhiệm. Sau khi nhận thầu từ Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam, doanh nghiệp đã đầu tư 16 tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng, môi trường, vệ sinh… nên tiểu thương yên tâm vào buôn bán kinh doanh.

Từ mô hình quản lý hiệu quả chợ Điện Ngọc, một số nơi cũng đã mời doanh nghiệp về quản lý chợ. Đến nay, Công ty TNHH MTV Tâm Tài Đức đã quản lý 4 chợ gồm chợ Điện Ngọc, chợ Viêm Đông, chợ Điện Dương và chợ Điện Nam Bắc (Điện Bàn). Dù vậy, theo ông Huỳnh Mót, khó nhất hiện nay là cơ chế chính sách của Nhà nước chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp loay hoay nên cần sớm có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đang được các địa phương triển khai. Dù vậy, vẫn còn những trở ngại, vướng mắc nhất định, do đó sở đang tham mưu tỉnh tiếp tục tháo gỡ. Một số vấn đề vượt thẩm quyền và mang tầm vĩ mô cũng đã được sở tập hợp gửi Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương hướng dẫn trả lời.