Chặng “nước rút” để gỡ thẻ vàng IUU
Lần thanh tra thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC) có thể coi là thời điểm quyết định, là cơ hội cuối cùng để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu gỡ "thẻ vàng" IUU, nếu không, “có thể phải mất vài năm nữa Việt Nam mới có cơ hội” như lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Các vấn đề lớn đối với thẻ vàng
Ngày 23/10/2017, EC đã quyết định rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc trong Chương trình chống khai thác IUU. Tuy nhiên, đã 4 lần đoàn công tác của EC sang làm việc để kiểm tra về tình hình triển khai chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ vì còn nhiều bất cập.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản Việt Nam cho biết, từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm; ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh các vấn đề lớn đối với "thẻ vàng" IUU.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra hơn 5.000 lượt tàu mất kết nối thiết bị VMS trên 10 ngày; có hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp; việc xử phạt các trường hợp mất kết nối còn hạn chế...
Một là, quản lý và giám sát đội tàu. Theo Thứ trưởng, với việc sửa đổi xong Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT, số lượng tàu 3 “không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) cỡ 16 nghìn chiếc được giải quyết bảo đảm được hồ sơ, bảo đảm được cấp phép, bảo đảm được đăng kiểm. Cùng với đó, khi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được triển khai sẽ có thêm công cụ để xử lý vi phạm, sẽ có phần mềm kết nối tất cả các thiết bị hành trình.
Hai là, truy xuất nguồn gốc. Thứ trưởng cho hay: “Trên cơ sở khuyến nghị của EC đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm.” Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu, phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu, đã xử một vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu đã xét xử và có Nghị quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về án lệ thì chúng ta có bước thực thi vụ án này, từ đó có bước thực thi nghiêm túc hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây cũng là vấn đề rất gay gắt mà Đoàn thanh tra EC yêu cầu.
Cùng vào cuộc
Đợt kiểm tra thứ 5 của EC (dự kiến tháng 4/2024) là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ "thẻ vàng” IUU, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của thuỷ sản Việt. Nếu vẫn còn tình trạng vi phạm dưới nhiều hình thức, sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ bị rút “thẻ đỏ”, cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu.
Điều này gây thiệt hại về kinh tế cho ngành thủy sản, hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người dân ven biển.
Do đó, các bộ, ngành địa phương đã cùng chung tay tại chặng “nước rút” này. Từ tháng 3/2024, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai tháng cao điểm thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU. Trong đó, trọng tâm là quản lý tốt đội tàu, duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) và quản lý tốt sản lượng hải sản qua cảng. Ngoài tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt trên ngư trường, lực lượng chức năng còn thành lập các tổ liên ngành phối hợp với địa phương “đi từng ngõ, gõ từng tàu” để tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong ngư dân, quyết tâm sớm khắc phục các khuyến nghị EC.
UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh Quảng Bình chỉ đạo phòng chuyên môn liên quan và cấp xã nắm chắc địa bàn, phát hiện từ xa ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá, ngư dân có ý định khai thác tại vùng biển nước ngoài; thực hiện rà soát, lập danh sách cảng cá, bến cá tư nhân, truyền thống và giám sát chặt chẽ sản lượng thủy sản khai thác tại địa phương.
Tỉnh Kiên giang đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật chống khai thác IUU cho cộng đồng ngư dân, nhất là nâng cao nhận thức của chủ tàu cá, thuyền trưởng không vi phạm khai thác IUU khi hoạt động trên ngư trường, góp phần cùng với tỉnh và cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.
Việc gỡ “thẻ vàng” IUU trong thời điểm hiện nay được các bộ, ngành, lực lượng chức năng, các địa phương có biển xác định là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, cần tập trung thời gian, nguồn lực khẩn trương triển khai quyết liệt, hiệu quả.