70 năm xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

PGS, TS Nguyễn Văn Mạnh, Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, tiến hành đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển, củng cố và hoàn thiện để trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nhận thức của Đảng về bản chất dân chủ thực sự của Nhà nước luôn luôn nhất quán. Nguồn: internet
Nhận thức của Đảng về bản chất dân chủ thực sự của Nhà nước luôn luôn nhất quán. Nguồn: internet

Thành tựu và hạn chế trong xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Về nhận thức

Nhận thức về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước có bước phát triển mới, đặc biệt thể hiện rõ trong 30 năm đổi mới.

Nhận thức của Đảng về bản chất dân chủ thực sự của Nhà nước luôn luôn nhất quán. Nhà nước ta là tổ chức chính trị của nhân dân, do nhân dân tổ chức ra dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước phải tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng nhà nước, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, nhân dân có quyền bãi miễn những người không xứng đáng, có quyền kiểm tra, giám sát, nhận xét, đánh giá cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã từng bước nhận thức được yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCNcủa dân, do dân, vì dân. Đây là sự kế thừa, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, trí tuệ, kinh nghiệm của nhân loại gắn với thực tiễn lịch sử, văn hóa Việt Nam và yêu cầu của sự nghiệp đổi mới...

Nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước được nhận thức nhất quán trong các bản Hiến pháp và ngày càng được cụ thể hóa, xác định rõ yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân đối với Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước pháp quyền, được xác định rõ tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013.

Qua 70 năm xây dựng Nhà nước cách mạng ở Việt Nam, vấn đề vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được nhận thức rõ hơn, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Đối với Chủ tịch nước (đã có lúc chuyển thành Chủ tịch tập thể là Hội đồng nhà nước), Hiến pháp 2013 đã xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn với tư cách là nguyên thủ quốc gia.

Vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủcũng được nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội, điều hành hoạt động của nền hành chính nhà nước theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, thông suốt, trong sạch, chuyên nghiệp, có hiệu lực, hiệu quả. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND các cấp được nhận thức ngày càng cụ thể hơn, phân cấp rõ hơn cho chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND các cấp.

Vị trí, vai trò, chức năng của các cơ quan tư phápđược nhận thức đúng đắn hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền tư pháp dân chủ, trong sạch, vững mạnh, công minh; bảo vệ công lý và quyền con người, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các chủ thể khác trong xã hội. Các nguyên tắc của hoạt động tư pháp trong Nhà nước pháp quyền như nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc tranh tụng khi xét xử, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc luật sư được tham gia ngay từ khi khởi tố... đã được nhận thức và ghi nhận trong Hiến pháp 2013.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chứcđủ năng lực, phẩm chất được nhận thức khá đầy đủ, và toàn diện và luôn luôn quan tâm thực hiện. Đặc biệt, Đảng ta nhận thức rõ nguy cơ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong đội ngũ cán bộ, công chức, coi những căn bệnh này là kẻ thù của CNXH, đe dọa sinh mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ.

Những nhận thức mới nêu trên là bước phát triển quan trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, nhận thức về xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cũng còn những hạn chế, ảnh hưởng đến thiết kế và thực tiễn tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta. Nhận thức về bản chất dân chủ, chủ quyền của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mặc dù có nhiều nội dung mới trong Hiến pháp 2013 nhưng khi cụ thể hóa vẫn còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ, chưa đầy đủ và hệ thống, nên gặp khó khăn trong việc xây dựng các văn bản luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhận thức và quán triệt về dân chủ, về chủ quyền nhân dân chưa sâu sắc và đầy đủ, còn biểu hiện coi nhẹ, hình thức trong thực hiện dân chủ; chưa nghiên cứu, phát triển đầy đủ các hình thức dân chủ trực tiếp để nhân dân kiểm tra, giám sát, phản biện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một số vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước pháp quyền XHCNnhư bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp, tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội; quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lực nhà nước về mặt lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhất là sự chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, v.v.. vẫn còn lúng túng, chưa được nhận thức đầy đủ, luận giải có sức thuyết phục.

Thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với Nhà nước trong điều kiện Đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng còn những điểm chưa luận giải thấu đáo. Nhận thức về vai trò, chức năng mới của Nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế cũng còn những điểm bất cập, chưa phù hợp. Vấn đề phân cấp, phân quyền trong bộ máy chính quyền; về vai trò của các tổ chức xã hội trong quan hệ với Nhà nước, với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên v.v.. cũng chậm được nghiên cứu, chưa được nhận thức đúng đắn, đầy đủ. Vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước mặc dù đã có chủ trương nhưng chậm cụ thể hóa, nhận thức chưa thống nhất.

Về mặt thực tiễn

Thực tiễn tổ chức, hoạt động của Nhà nước trong 70 năm qua, nhất là trong 30 năm đổi mới, vấn đề chủ quyền của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được xác lập và thực thi trên thực tế. Hiến pháp, pháp luật đã thể chế hóa quyền dân chủ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước và nhân dân thực hành dân chủ. Việc ban hành pháp luật về dân chủ ở cơ sở đã khơi dậy, nâng cao ý thức, trình độ, năng lực làm chủ của nhân dân. Dân chủ trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp có bước tiến bộ rõ nét, phản ánh được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Sau 30 năm đổi mới, tổ chức, hoạt động của Nhà nước đã có phát triển tiến bộ. Tổ chức hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương thực sự có những đổi mới so với trước đây.

Quốc hộiđã có những đổi mới rõ nét trong tổ chức hoạt động từ bầu cử đến cơ cấu tổ chức và thực hiện các chức năng của Quốc hội, của đại biểu quốc hội, ngày càng thể hiện rõ vai trò cơ quan quyền lực, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực quyền hơn; thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp, chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Hoạt động của Quốc hội đã chuyển biến rõ nét, ngày càng dân chủ, bám sát thực tiễn của đất nước để quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh hiệu quả hơn.

Tổ chức hoạt động của Chính phủtừ chỗ phù hợp với thời chiến, với cơ chế tập trung, bao cấp đã chuyển mạnh sang cơ chế mới. Chính phủ nâng cao năng lực quản lý, điều hành vĩ mô, xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách. Nền hành chính được cải cách một bước cả về thể chế, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và chế độ tài chính công, công tác quản lý điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương được đổi mới, có hiệu lực, hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương được đổi mới và sắp xếp hợp lý hơn.

Các cơ quan tư phápđược phân định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động. Hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân đã có những điều chỉnh hợp lý hơn.

Hệ thống pháp luậtkhông ngừng được sửa đổi, bổ sung và xây dựng ngày càng đầy đủ, phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng XHCN, với yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo vệ quyền con người, hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đội ngũ cán bộ, công chứcđược quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng về chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, về cơ bản thích ứng được yêu cầu của cơ chế mới, năng động và chuyên nghiệp hơn.

Thực tiễn tổ chức, hoạt động của Nhà nước mặc dù có nhiều đổi mới, tiến bộ rõ nét nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có những hạn chế, bất cập do lịch sử, do cơ chế cũ để lại nhưng cũng có những hạn chế, bất cập mới nảy sinh trong điều kiện chuyển sang cơ chế thị trường.

Thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dâncó lúc, có nơi còn mang tính hình thức, dân chủ trong lý luận, trong văn bản so với dân chủ trong thực tiễn còn khoảng cách. Mối quan hệ giữa dân chủ với kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước còn bất cập, vừa có tình trạng mất dân chủ, vừa có tính kỷ luật, kỷ cương không nghiêm.

Hệ thống pháp luậttuy chưa đồng bộ, thiếu hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao, hệ thống văn bản pháp quy nhiều tầng nấc dẫn đến tình trạng “luật ống”, “luật khung”, “luật nguyên tắc”, văn bản luật có hiệu lực nhưng chưa đi vào cuộc sống vì thiếu cụ thể phải chờ nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Cải cách hành chínhnhìn chung vẫn chậm, chưa đạt yêu cầu, nhất là thủ tục hành chính còn phức tạp, phiền hà; tình trạng quan liêu, thiếu trách nhiệm, thiếu chủ động, tình trạng tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận xã hội, là trở lực trong quá trình đổi mới, phát triển, hội nhập.

Thực tiễn tổ chức, hoạt độngcủa Quốc hội, Hội đồng nhân dân vẫn còn những mặt hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao. Tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp còn nhiều điểm chưa rõ, chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhiều nơi, HĐND hoạt động còn hình thức, không rõ vai trò.

Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Chính phủ vẫn còn những điểm bất cập, nhất là trong việc phối hợp giữa các bộ để xây dựng văn bản luật, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; cơ chế quản lý đa ngành, đa lĩnh vực chưa được quy định phù hợp; còn tình trạng chồng chéo nhiệm vụ và bỏ trống nhiệm vụ không có cơ quan chịu trách nhiệm; tính chủ động, trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước được giao rất hạn chế. Việc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ chưa được nhận thức thống nhất, còn nhiều bất cập, vướng mắc. Chậm nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo phù hợp với đặc thù của các khu vực này. Cải cách tư pháp chậm, ít đổi mới so với cải cách lập pháp và hành pháp.

Đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy nhà nước còn nhiều hạn chế cả về năng lực và phẩm chất. Tính chủ động, chuyên nghiệp, tinh thần phụ trách, trách nhiệm chưa cao, chưa coi trọng đạo đức và trách nhiệm công vụ, còn tình trạng vô cảm trước yêu cầu, lợi ích của nhân dân v.v.. gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Chế độ công vụ, chế độ thủ trưởng, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước chưa được cụ thể hóa để áp dụng trong thực tiễn.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ những thành tựu, hạn chế trong nhận thức lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước 70 năm qua có thể đúc rút một số bài học kinh nghiệm dưới đây:

Một là,phải đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân về các vấn đề bản chất, đặc trưng, nguyên tắc, mô hình. Trong đó, cần đặc biệt chú ý nguyên tắc chủ quyền của nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, các nguyên tắc trong tổ chức quyền lực, tổ chức hoạt động hành pháp, tư pháp, vấn đề chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ, công chức, của người đứng đầu cơ quan nhà nước; vấn đề bảo đảm quyền con người, bảo đảm tính tối thượng của pháp luật v.v.. Cần nghiên cứu những vấn đề cơ bản nêu trên để thống nhất nhận thức, vận dụng, thể chế hóa trong pháp luật tổ chức, hoạt động của Nhà nước.

Hai là,tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải luôn luôn hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Phải coi đây không những là mục tiêu mà còn là động lực phát triển của Nhà nước, động lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức từ Trung ương đến các xã, phường phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, chăm lo, nâng niu, quan tâm lợi ích thiết thực của nhân dân thì Nhà nước ta mới thực sự là Nhà nước của dân được nhân dân yêu mến, tin tưởng, quý trọng và bảo vệ. Thực tiễn 70 năm qua cho thấy, ở đâu và lúc nào chính quyền, cán bộ làm được những việc như vậy thì chính quyền vững mạnh, mọi mặt đời sống phát triển, nhân dân tin tưởng phấn khởi.

Ba là,vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân giao phó, ủy thác cho các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước. Nếu không có cơ chế kiểm soát tốt việc thực hiện quyền lực nhà nước thì dễ dẫn đến tình trạng quyền lực nhà nước bị tha hóa, biến chất, tùy tiện, chủ quyền của nhân dân sẽ không còn. Phải có cơ chế tự kiểm soát trong nội bộ bộ máy nhà nước (bao gồm hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; của thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm soát giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp) và cơ chế kiểm soát từ ngoài vào bộ máy nhà nước (bao gồm công tác kiểm tra của Đảng; giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; giám sát của nhân dân, giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng v.v.. Thực tiễn cho thấy, nếu phát huy tốt các cơ chế này, nhất là cơ chế kiểm soát từ ngoài vào sẽ góp phần bảo đảm hoạt động đúng đắn của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước.

Bốn là,vấn đề thực hiện pháp luật. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi tinh thần thượng tôn pháp luật. Mọi cơ quan, cán bộ công chức nhà nước, mọi tổ chức kinh tế, xã hội v.v.. mọi tổ chức của Đảng và mọi công dân phải thực thi pháp luật nghiêm minh. Vấn đề đặt ra là tổ chức thực thi pháp luật như thế nào để bảo đảm pháp luật đi vào cuộc sống. Ở đây có những vấn đề có tính chiến lược như đưa ngay giáo dục pháp luật vào hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời cần có biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thích hợp cho các đối tượng. Nhưng điều quan trọng là, cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh.

Năm là,bài học về công tác cán bộ. Thực tiễn cho thấy thành công hay thất bại của sự nghiệp đổi mới, đất nước có phát triển bền vững, có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc trước những âm mưu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch hay không, nhân dân đều trông cậy vào đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị, trước hết là của Đảng, Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phải thực hiện đồng bộ các khâu. Trong bộ máy nhà nước phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của từng chức danh cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Phải có cơ chế xử lý trách nhiệm khi xảy ra những vụ, việc trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của từng cán bộ, công chức. Cần phải giáo dục cán bộ, công chức thấm nhuần lời dạy của Hồ Chí Minh, không được vô cảm trước nhân dân: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(1[1]).

Sáu là,vấn đề đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đòi hỏi phải quyết liệt đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước. Những căn bệnh này cực kỳ nguy hiểm vì nó cản trở, làm lệch lạc hoạt động đúng đắn của Nhà nước, vô hiệu hóa đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội. Việc đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi những căn bệnh này, mặc dù chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt nhưng kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu và mong đợi của nhân dân. Cần có hệ thống biện pháp đồng bộ; tổ chức cơ quan chuyên trách chống tham nhũng đủ quyền lực và sức mạnh để truy bức những kẻ quan liêu, tham nhũng, đặc biệt là phải dựa vào sức mạnh của nhân dân mới có hy vọng đấu tranh có kết quả với những căn bệnh này.

Thiết thực kỷ niệm 70 năm ra đời của Nhà nước cách mạng đòi hỏi phải đánh giá đúng những thành tựu, tiến bộ, cũng như những hạn chế, yếu kém và từ những bài học kinh nghiệm phải khẩn trương có các giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế, yếu kém, đẩy mạnh cải cách, đổi mới tổ chức, hoạt động của Nhà nước, xây dựng Nhà nước ta sớm trở thành Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.572.