Chương trình hành động của Ủy ban Dân tộc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

PV.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Dân tộc đặt ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đáng chú ý, đó là: Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số mỗi năm 3,5%; đảm bảo thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn dân tộc tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay...

95% trẻ em trong độ tuổi đến trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động.
95% trẻ em trong độ tuổi đến trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động.

Phấn đấu giảm 4-5% hộ nghèo dân tộc thiểu số/năm

Nhằm tạo sự thống nhất toàn ngành trong việc quán triệt và triển khai cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến vừa ban hành Chương trình hành động của Ủy ban Dân tộc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Dân tộc đặt ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đáng chú ý, đó là:

Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số mỗi năm 3,5%; các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Duyên hải miền Trung, Đông Trường Sơn, vùng căn cứ cách mạng phấn đấu giảm mỗi năm 4-5% hộ nghèo dân tộc thiểu số;

Xóa nhà ở dột nát; trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn; đảm bảo thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn dân tộc tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất, thiếu nước phục vụ sản xuất, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Về cơ sở hạ tầng, đảm bảo 100% trục đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; trên 95% hộ được sử dụng điện thường xuyên; 100% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, Internet đến hầu hết các thôn, bản.

Lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số được qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đạt trên 50%, trong đó 20% được đào tạo nghề; 100% những nơi cần thiết có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh; 95% trẻ em trong độ tuổi đến trường; số sinh viên đạt 300/1 vạn dân; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 50% lao động xã hội.

Xác định 14 nhiệm vụ trọng tâm

Đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính vùng dân tộc thiểu số phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý theo mức tối thiểu tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Ở các vị trí chủ chốt, nhất thiết phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số. 100% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, trong đó 70% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên…

Để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nêu trên, Ủy ban Dân tộc xác định 14 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Kết luận, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Tập trung xây dựng hệ thống chính sách dân tộc mang tính chiến lược, đột phá, đồng bộ, đa mục tiêu, đa dạng hóa nguồn lực, phân cấp mạnh cho địa phương. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở đảm bảo cân đối chung của các nguồn vốn ngân sách trong giai đoạn 2016 - 2020 và khả năng huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nghiên cứu có giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính; triển khai thực hiện Đề án Biệt phái công chức, viên chức đi địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm nâng cao chất lượng tham mưu chính sách dân tộc.

Chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề chiến lược về cơ chế, chính sách, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nhạy cảm, nhất là các vụ việc nổi cộm ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ…