Ngành Tài chính: Thi đua yêu nước góp phần tạo nên thành công

Huyền Trang

Ngày 13/8, Bộ Tài chính đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV nhằm tổng kết phong trào thi đua yêu nước, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã giao cho ngành Tài chính trong 5 năm qua và phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ngành, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của đất nước.

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Văn Trường

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Văn Trường

Đại hội có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trương ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo một số Bộ, ngành và hơn 700 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho hơn 8 vạn cán bộ ngành Tài chính.

Nhân tố không thể thiếu cho thành công

Phát biểu khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, trong những năm qua, hàng trăm phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ đặc thù đã được các đơn vị trong ngành Tài chính tổ chức, phát động, triển khai sâu rộng tới từng cán bộ, công chức, viên chức. Các phong trào thi đua của Ngành trong 5 năm qua đã chuyển biến tích cực trong nhận thức vị trí, vai trò, tác dụng của công tác thi đua; đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức thực hiện; khơi dậy được tinh thần phấn khởi, lao động sáng tạo của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức tạo được động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - ngân sách được giao hàng năm và trong cả giai đoạn.

Thông qua các cuộc vận động và các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sỹ thi đua, các tấm gương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung. “Những tập thể, cá nhân được tuyên dương trong 5 năm qua là một minh chứng sống động về hiệu lực, hiệu quả của công tác thi đua khen thưởng do ngành Tài chính thực hiên.”- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tại Đại hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Nhì cho 7 cá nhân là Lãnh đạo Bộ Tài chính và Lãnh đạo một số đơn vị của ngành Tài chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Nhì cho 7 cá nhân là Lãnh đạo Bộ Tài chính và Lãnh đạo một số đơn vị của ngành Tài chính. Ảnh: Văn Trường

Từ đó, công tác xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến cũng được Ngành chú trọng. Đặc biệt, năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2015), Ngành đã xây dựng phim tài liệu truyền hình về 70 năm xây dựng và phát triển; xuất bản sách về Ngành và các nhân vật lịch sử của Ngành; tổ chức 02 cuộc thi “Kỷ niệm sâu sắc về ngành Tài chính” và “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành Tài chính” và xuất 3 bản cuốn sách: “Gương sáng, việc hay ngành Tài chính”, “Sắt son tài chính Việt - Lào” và “Các di tích lịch sử ngành Tài chính” đã góp phần bồi đắp thêm lòng tự hào truyền thống và ca ngợi công lao đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt.

Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 tăng gần 2 lần, trong đó, thu nội địa tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2006-2010 với tỷ lệ huy động thu ngân sách nhà nước bình quân đạt khoảng 23% GDP. Cơ cấu thu chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 58% (giai đoạn 2006 - 2010) lên 67% (giai đoạn 2011 - 2015).

Những phong trào thi đua yêu nước của ngành Tài chính được tổ chức sâu rộng thời gian qua đã tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân toàn Ngành hăng hái thi đua vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; từng bước xây dựng nền Tài chính quốc gia an toàn và hiệu quả.

Trong 5 năm qua, các chính sách tài chính gắn liền với đời sống kinh tế, xã hội đã phát huy hiệu quả tích cực, nhờ đó tiềm lực tài chính quốc gia được tăng cường, an ninh tài chính quốc gia cơ bản được đảm bảo. Công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Thị trường tài chính, bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, quá trình tái cơ cấu thị trường được thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ đề ra. Các chính sách hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế thời gian qua cũng được ngành Tài chính đẩy mạnh.

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa ngành Tài chính luôn được chú trọng. 5 năm vừa qua (tính đến 01/7/2015), Bộ Tài chính đã rà soát 1454 thủ tục hành chính, qua đó sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 777 thủ tục; thay thế, huỷ bỏ 196 thủ tục; đồng thời sửa đổi, ban hành các văn pháp quy mới theo hướng vừa nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các quy định về thủ tục hành chính và quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực tài chính như Thuế, Hải quan, Kho bạc, quản lý Ngân sách... đã được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế.

Có thể nói, những thành tựu to lớn mà ngành Tài chính đã đạt được trong 5 năm qua, trong mỗi bước chuyển biến đi lên đều có sự đóng góp thiết thực của phong trào thi đua yêu nước.” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tại Đại hội.

Thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020

Xác định bước sang giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều thách thức, ngành Tài chính tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua với khẩu hiệu: “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đẩy mạnh thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2015 và cả giai đoạn 2016 - 2020”.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Văn Trường

Theo đó, phấn đấu thực hiện các mục tiêu chính trị của Ngành như: tỷ lệ huy động vào Ngân sách Nhà nước bình quân 20 -21% GDP; tỷ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2020 đạt khoảng 80% tổng thu ngân sách nhà nước; Đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, duy trì dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia trong giới hạn an toàn; Phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính... Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, công tác thi đua khen thưởng phải được thực hiện triệt để, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và Lãnh đạo đơn vị trong toàn Ngành đối với công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt trong giai đoạn mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát huy vai trò tích cực của công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng đạo đức, tác phong người cán bộ làm công tác tài chính.

Thứ hai, đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp vận động, tổ chức các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Gắn kết chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng; đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng việc, có tác dụng động viên, cổ vũ, giáo dục, nêu gương.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các mô hình mới, nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Trong đó đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực công tác trọng tâm, những địa bàn khó khăn, những tập thể nhỏ và cá nhân ở cơ sở có nhiều sáng kiến đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác cao và tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Thứ tư, thực hiện tốt quy chế dân chủ; triển khai tích cực công tác kiểm tra, giám sát về phong trào thi đua và công tác khen thưởng, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém và phát huy các mặt làm tốt.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống quy chế thi đua, khen thưởng, tiêu chí chấm điểm thi đua, xây dựng điển hình tiên tiến trong ngành phù hợp với các quy định mới của Nhà nước về thi đua khen thưởng.

Thứ sáu, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, toàn ngành Tài chính trên cơ sở những thành công đã đạt được và tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và phát triển, cần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tiếp tục có những phong trào thi đua yêu nước mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến trong toàn Ngành. Từ đó, thi đua lập nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đưa công tác tài chính thực sự là công cụ sắc bén trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.