Các văn kiện Đại hội XII của Đảng:

Nguồn lực mới tạo đà thúc đẩy đất nước ngày càng phát triển

ThS. Đỗ Thị Nhường

Tinh thần khoa học cách mạng trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản thể hiện quy luật phát triển cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đây là một giá trị cần phải nghiên cứu để rõ thêm nguyên lý chuyển hóa khí thế cách mạng thành lực lượng vật chất trong quá trình cải biến xã hội.

Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Như thế cách mạng là không ngừng bởi cái tốt rồi cũng trở thành cái cũ, do nhiều biến đổi làm cho nó không còn phù hợp và do đó đòi hỏi phải thay đổi.

Cái mới, cái tốt hơn bao giờ cũng là cái có chất và số lượng nhiều hơn, cao hơn cái cũ. Chỉ như thế mới đúng nghĩa thắng lợi của cách mạng. Tổng kết lại toàn bộ lịch sử phát triển của nhân loại, đặc biệt là của phong trào công nhân C. Mác đã rút ra kết luận: “lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”.

Cụ thể hơn, V.I.Lê-nin khẳng định điều kiện để chiến thắng hoàn toàn là chủ nghĩa xã hội phải đưa ra được một phương thức tổ chức quản lý đem lại kết quả cao hơn chủ nghĩa tư bản về mọi mặt. Quy luật là như vậy, nhưng việc vận dụng quy luật trong thực tế thì không đơn giản, đòi hỏi mọi vận động cách mạng đều phải có căn cứ khoa học nếu không sẽ rơi vào không tưởng. Thực tế lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không thiếu những bài học như thế, không thiếu những khí thế “đoạt trời xông lên” mà thất bại.

Và để có những thành công, những bước tiến vững chắc thì khí thế cách mạng phải trở thành nguồn lực được tạo ra từ phong trào vận động có căn cứ khoa học. C. Mác và Ăng-ghen đã đến với phong trào cách mạng thế giới và kết quả là sự ra đời của những văn kiện quan trọng, trong đó những giá trị cách mạng tiên tiến nhất được hội tụ ở “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

Từ định hướng của văn kiện này giai cấp công nhân thế giới biết tiến hành cách mạng, biết sáng tạo ra nguồn lực mới, đánh đổ được cả những thế lực phản cách mạng đang nắm trong tay khối lượng của cải vật chất, binh khí kỹ thuật nhiều áp đảo. Khái quát từ thực tế Ph. Ăng-ghen kết luận: “Bất cứ đảng nào, phong trào nào đi chệch hướng tuyên ngôn đều phải trả ngay một giá đắt”.

Hơn 100 năm trôi qua nhưng kết luận này vẫn còn nguyên tính thời sự giúp cho những người cách mạng thấm thía hơn nguyên nhân sâu xa về sự thành bại của chủ nghĩa xã hội trong quá trình cải tạo xã hội cũ để xây dựng xã hội mới, đặc biệt thấm thía hơn qua sự thành bại của quá trình cải cách, cải tổ và đổi mới, do đó khoa học cách mạng trong các văn kiện của Đảng Cộng sản trong hoàn cảnh mới càng được nhấn mạnh, càng được quan tâm và trở thành vấn đề thường trực trong ý thức của mỗi đảng viên và quần chúng cách mạng.

Đấy chính là sự thấm nhuần học thuyết Mác - một học thuyết không chỉ là tài sản vô giá của những người cộng sản, những người mác-xít cùng quần chúng cách mạng trân trọng mà của cả nhân loại tiến bộ. Tất cả những xu hướng tích cực nhất đã, đang vận động trên khắp hành tinh, suy cho cùng đều có điềm tựa, điểm xuất phát và được định hướng từ nền tảng tư tưởng mang bản chất khoa học cách mạng xuất sắc nhất. Đấy là chân lý được thực tiễn kiểm nghiệm - một chân lý mà không ít những học giả tư sản có uy tín đã đồng tình, nói tiếng nói khẳng định.

Ở Việt Nam, tinh thần khoa học cách mạng trong các văn kiện của Đảng cũng chính là sự phát triển truyền thống của giai cấp cách mạng triệt để nhất ở một nước có hơn 4.000 năm kiên cường dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đã rút ra kết luận chủ nghĩa ấy là “cẩm nang” khoa học của cách mạng. “Cẩm nang” ấy đã giúp việc xây dựng đường lối, sách lược bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi đúng hướng, từ những văn kiện đầu tiên của Đảng đến những văn kiện tiếp theo của quá trình cách mạng tinh thần ấy đã được thể hiện, được tổ chức nghiên cứu, thảo luận và tiếp thu ý kiến nhân dân dưới nhiều hình thức.

Vì thế, về cơ bản tất cả các văn kiện của Đảng đều có căn cứ khoa học chắc chắn, đều xâm nhập nhanh vào quần chúng cách mạng và đều trở thành nguồn lực, chuyển hóa thành lực lượng vật chất làm biến đổi tình thế, giúp cách mạng không chỉ đánh đổ lực lượng vật chất của các đế quốc trong cả những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh mà tương quan lực lượng được ví như “châu chấu đá voi” nhưng vẫn “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” tinh thần ấy đã giúp cả dân tộc Việt Nam vượt qua hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” để đi vào thực hiện thắng lợi đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, vừa đấu tranh giành độc lập ở miền Nam vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Đặc biệt, ngay cả trong hoàn cảnh Liên Xô sụp đổ, cách mạng thế giới thoái trào, nhiều tác động xấu vào đất nước đang trong tình trạng khủng khoảng kinh tế - xã hội vậy mà Đảng ta vẫn chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn, từng bước đẩy lùi cả “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc nội xâm”. Rõ ràng là tinh thần khoa học cách mạng trong các văn kiện đã trở thành vấn đề thường trực trong ý thức cách mạng, thành lối sống cách mạng của toàn dân, toàn Đảng, nó không chỉ phát huy khi cách mạng đi lên mà còn là chìa khóa khi cách mạng có khó khăn.

Nhìn lại sau 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta còn nhiều hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục trong đó vấn đề đầu tiên đã được Đảng xác định, đấy là “công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.

Từ cách đặt vấn đề như thế cho thấy nguyên nhân sâu xa của những thành tựu, những hạn chế đang đòi hỏi phải khắc phục để tiếp tục đổi mới thắng lợi vẫn là khoa học cách mạng, là những căn cứ khoa học cho các văn kiện của Đảng. Đấy chính là tinh thần hết sức nghiêm túc của một đảng cách mạng chân chính, phản ánh đúng tinh thần và nguyện vọng của toàn dân tộc. Với tinh thần ấy Đảng Cộng sản Việt Nam lại chủ trương xây dựng các văn kiện của Đại hội XII thật hoàn thiện bằng cách tiếp tục nhân rộng, đẩy cao, đi vào chiều sâu để phát huy cao nhất tinh thần khoa học cho các văn kiện trong toàn dân, toàn Đảng.

Tinh thần khoa học cách mạng trong các văn kiện Đại hội XII trước hết được thể hiện hết sức nghiêm túc từ cấp lãnh đạo cao nhất. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Bộ Chính trị đã thành lập các tiểu ban văn kiện. Sau Hội nghị Trung ương 9, các đề cương chi tiết đã được thông qua. Dự thảo đã được chuẩn bị trên cơ sở đánh giá đúng hoàn cảnh quốc tế và xu hướng tác động đến khả năng phát triển của cách mạng Việt Nam, nghiên cứu kỹ những bài học kinh nghiệm được tổng kết qua 30 năm đổi mới, kết quả của quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI; khảo sát ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; làm việc với 22 Ban Thường vụ tỉnh ủy, cùng thời gian này Bộ Chính trị đã nhiều lần họp, cho nhiều ý kiến để hoàn thiện bản dự thảo.

Dự thảo đã thể hiện tinh thần khoa học theo hướng toàn diện nhưng cũng phản ánh rõ trọng tâm, đấy là khoa học cho việc giải quyết những nhiệm vụ được xác định là trung tâm cho 5 năm tới để tạo nền cho những năm tiếp theo. Đó là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững trong hòa bình, ổn định, phấn đấu xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nổi bật của vấn đề trung tâm lại là tinh thần tập trung cho khoa học xây dựng Đảng - vấn đề cốt yếu của phát triển cách mạng và bảo đảm cho tinh thần khoa học cách mạng phát triển bền vững. Đây là vấn đề mà toàn dân, toàn Đảng nhiều bức xúc, nhiều trăn trở.

Tại Hội nghị Trung ương 10, dự thảo đã được Trung ương dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng, cho nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng và thống nhất cao về những vấn đề cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, các dự thảo được chỉnh lý trước khi gửi Đại hội Đảng bộ các cấp thảo luận, đóng góp ý kiến và giao Bộ Chính trị chỉ đạo các tiểu ban nghiêm túc tiếp thu ý kiến Trung ương, tiếp thu ý kiến các đảng bộ để tiếp tục hoàn thiện, sau đó xin ý kiến nhân dân trước khi trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Có thể nói, lộ trình đã được xác định rõ ràng, được triển khai hết sức nghiêm túc với tinh thần thảo luận kỹ lưỡng như vậy nhưng Đảng vẫn đề nghị các đồng chí ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị tiếp tục suy nghĩ để tiếp tục có những đóng góp thiết thực.

Chủ trương xin ý kiến nhân dân là sự thể hiện tinh thần khoa học cách mạng nổi bật của “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, thúc đẩy tinh thần khoa học cách mạng cho các văn kiện Đại hội XII đang phát triển cao trong nhân dân. Đấy cũng là một phương thức tồn tại của Đảng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân”.

Và hơn thế, các văn kiện của Đảng đều là những công trình khoa học lớn - là chủ trương xây dựng tương lai của đất nước, hạnh phúc của nhân dân thì càng phải có ý kiến nhân dân để yên tâm hơn về những vấn đề đã được thảo luận kỹ. Phải xin ý kiến nhân dân bởi “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Chủ trương xin ý kiến nhân dân là giải pháp dân chủ, văn minh do chính bản chất dân chủ của thể chế toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân quy định.

Mặt khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau”, vì thế, theo chủ trương này những quan điểm khoa học cách mạng cho văn kiện sẽ được cọ sát, nâng cao do có ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt sẽ có những ý kiến trí tuệ cao của nhiều nhân sĩ, trí thức đang sinh sống và làm việc ở cả trong và ngoài nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là những người “tài cán”, họ không phải đảng viên nhưng tâm huyết, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thực tế, theo chủ trương này, tinh thần khoa học cách mạng của các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã được đẩy lên mạnh mẽ khắp cả nước, trí tuệ toàn dân tộc đã được Đảng trân trọng lựa chọn. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII các văn kiện được hoàn thiện. Đại hội đã có nghị quyết về toàn bộ các văn kiện. Nghị quyết này tạo một khí thế cách mạng mới và chắc chắn tinh thần khoa học cách mạng cho các văn kiện của toàn Đảng toàn dân không dừng lại mà còn tiếp tục được thể hiện ở quyết tâm triển khai nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống và biến các mục tiêu chính trị được khẳng định trong các văn kiện thành hiện thực.

Đồng thời, đấy cũng là một quá trình kiểm nghiệm tinh thần khoa học cách mạng mà Đại hội đã kết luận, xác lập cơ sở vững chắc mang tính xã hội hóa, bảo đảm cho tinh thần này phát triển theo quan điểm cách mạng không ngừng, theo hướng không ngừng hoàn thiện tri thức cách mạng.

Cũng như mọi diễn biến tất yếu của lịch sử mà quá trình cách mạng Việt Nam là một điển hình nổi bật, tinh thần khoa học cách mạng trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng chắc chắn cũng được chuyển hóa thành nguồn lực mới, không chỉ bảo đảm cho nghị quyết được triển khai thắng lợi mà còn tiếp tục nhân lên tinh thần cách mạng, xã hội hóa ý thức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển tiếp theo của đất nước.