Quyền và nghĩa vụ của công dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

PGS., TS. Nguyễn Thanh Tuấn

Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội.

Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách bảo vệ và bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, theo phương hướng: Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.

Ở Việt Nam, bên cạnh thuật ngữ “quyền con người”, còn có thuật ngữ “nhân quyền”. Cả hai thuật ngữ này đều bắt nguồn từ khái niệm “human rights” trong tiếng Anh. Vì vậy, nếu cho rằng, chỉ xã hội tư bản mới có nhân quyền còn xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ có quyền con người - là không xác đáng.

Vì thế, theo chúng tôi, một định nghĩa phù hợp với Việt Nam có thể là: Quyền con người là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có ở con người, được pháp luật công nhận nhằm thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, (bảo đảm) thực hiện và thúc đẩy quyền sống, tự do, hạnh phúc của con người và dân tộc Việt Nam.

Mặc dù có những tương đồng nhất định về tính chất, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, quyền con người và quyền công dân vẫn sẽ phát triển theo hai “kênh” khác nhau, mà sẽ không bao giờ hoàn toàn hòa nhập với nhau, khi xã hội loài người vẫn còn nhà nước và pháp luật. Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục xây dựng và củng cố các thể chế hợp tác, để cùng thúc đẩy và bảo đảm cả quyền con người và cả quyền công dân trên mọi cấp độ: cơ sở, địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.

Quan niệm về bảo đảm quyền con người và cả quyền công dân là các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền con người, trước hết và chủ yếu là nhà nước, thực hiện các biện pháp về thể chế lập pháp, hành pháp, tư pháp, và về quản lý chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người trong hoạt động của nhà nước và các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, đặc biệt trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, (bảo đảm) thực hiện và thúc đẩy quyền con người trong thực tế.

Hiện nay, sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đến công tác bảo đảm quyền con người, trước tiên, diễn biến theo hướng tích cực, đó là: Đã cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội để thúc đẩy công tác bảo đảm và giải quyết vấn đề quyền con người; phát triển theo hướng đa dạng nhu cầu về quyền con người và thách thức mới đối với bảo đảm quyền con người; tạo ra những cơ hội thuận lợi để Việt Nam phát triển kinh tế nhanh và bền vững - điều kiện cần thiết để bảo đảm quyền con người; góp phần làm thay đổi tư duy pháp lý về quyền con người; thúc đẩy công tác bảo đảm quyền con người tiệm cận ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn luật pháp, chuẩn mực và tập quán quốc tế; qua đó quyền con người không chỉ được bảo đảm ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ quốc tế; bầu bạn trên thế giới hiểu được thành tựu về nhân quyền của Việt Nam; và các quốc gia phương Tây cũng buộc phải điều chỉnh thái độ, chính sách của họ đối với vấn đề quyền con người của Việt Nam, cơ bản theo hướng hợp tác.

Trong điều kiện như vậy, công tác bảo đảm quyền con người ở nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, trước hết và chủ yếu là Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, đã tích cực và từng bước chủ động thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền con người; hệ thống thiết chế và thể chế bảo đảm quyền con người từng bước được xây dựng theo hướng hoàn thiện; sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức xã hội vào công tác bảo đảm quyền con người.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế của công tác bảo đảm quyền con người, thể hiện trong tổ chức, hoạt động của một số thể chế, thiết chế liên quan đến bảo đảm quyền con người; trong thực tế bảo đảm quyền con người cho người dân và trong công tác giáo dục, nghiên cứu, hội nhập quốc tế và đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người. Nguyên nhân xuất phát từ hạn chế trong nhận thức, trong công tác lãnh đạo, quản lý; và từ những khó khăn trong công tác bảo đảm quyền con người (điều kiện địa lý - tự nhiên không thuận lợi, thiếu hụt nguồn lực, “diễn biến hòa bình”, sự xâm nhập của tệ nạn quốc tế,...).

Trên cơ sở chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước; căn cứ thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong bảo đảm quyền con người và có tính đến những vấn đề lớn về nhân quyền trên thế giới, có thể dự báo trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra:

1) Xu hướng phát triển theo hướng đa dạng và gia tăng phân hóa xã hội trong nhu cầu về quyền con người;

2) Xu hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, thiết chế bảo đảm quyền con người theo hướng dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa với sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn việc bảo đảm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi đất nước đã chuyển sang nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình;

3) Xu hướng tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào việc bảo đảm các giá trị phổ quát của quyền con người và tích cực, chủ động đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền trong hội nhập quốc tế.

Do đó, quan điểm chỉ đạo công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xác định theo hướng:

1) Nhân dân là chủ thể của quyền và bảo đảm quyền con người là mục tiêu, động lực của sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa;

2) Quyền con người vừa có tính phổ biến vừa có tính đặc thù và trong xã hội cơ bản được thể hiện ở tính nhân loại gắn với tính giai cấp và tính dân tộc;

3) Bảo đảm quyền con người theo phương châm thực hiện các giá trị nhân quyền phổ quát trên cơ sở chủ quyền quốc gia và gắn với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa;

4) Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, gồm cả quyền tập thể và quyền cá nhân, quyền gắn liền với nghĩa vụ, giới hạn quyền do luật định, trên cơ sở xác định rõ chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền;

5) Từng bước bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền, có ưu tiên quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế;

6) Quyền con người được bảo đảm bằng chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Điều kiện pháp lý cho công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hiện nay, cơ bản tùy thuộc vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với 5 đặc điểm:

1) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp hành pháp và tư pháp;

2) Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật;

3) Sự bình đẳng của mọi người trong thụ hưởng và phát triển quyền, trước tiên và chủ yếu trong việc tham gia vào công tác quản lý nhà nước và xã hội;

4) Sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật;

5) Bảo vệ công lý, quyền con người và quyền công dân.

Giải pháp bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm:

1) Sử dụng ngày càng phổ biến và sâu rộng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong hoạch định và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước;
2) Bảo đảm một cách thực tế các quyền con người, nhất là quyền sống, quyền phát triển và quyền của các nhóm yếu thế, trên cơ sở từng bước bảo đảm quyền con người một cách bình đẳng.

Tóm lại, cần phải coi trọng thích đáng việc thể chế hóa và thực hiện các quyền dân sự, chính trị, vì chúng là tiền đề trực tiếp của các quyền sống, phát triển… Việc xử lý vấn đề này thể hiện trình độ khoa học và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, không chỉ trong việc giải quyết mối quan hệ của quyền con người với các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, tiếp cận thông tin,….

Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thiết chế pháp luật và xã hội, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người; nghiên cứu các phương án sắp xếp tổ chức lại cơ quan nhân quyền quốc gia ở Việt Nam hiện nay; trong đó ưu tiên 2 phương án: thành lập “Hội nhân quyền Việt Nam” và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ quan nhân quyền chuyên trách cho đối tượng phụ nữ và trẻ em như khuyến nghị của ASEAN.

Đặc biệt là tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người; đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu về quyền con người.