Châu Âu tiếp tục giữ chính sách thắt chặt tiền tệ


Lãi suất cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua được giữ nguyên cho thấy nước Anh tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận kiểm soát lạm phát bằng cách giữ chi phí vay ở mức cao. Trong khi đó, cú sốc phía nguồn cung có thể Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa.

Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục

BoE tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận kiểm soát lạm phát bằng cách giữ chi phí vay ở mức cao - Ảnh minh họa
BoE tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận kiểm soát lạm phát bằng cách giữ chi phí vay ở mức cao - Ảnh minh họa

Ngày 2/11, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5,25% đồng thời cho rằng vẫn cần thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian bất chấp triển vọng kinh tế ảm đạm.

Đây là lần thứ hai BoE quyết định duy trì mức lãi suất nói trên sau cuộc họp về chính sách tiền tệ mà ngân hàng này tiến hành hồi tháng 9.

Động thái giữ nguyên mức lãi suất cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua cho thấy MPC tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận kiểm soát lạm phát bằng cách giữ chi phí vay ở mức cao hiện nay cho tới khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu là 2% trên cơ sở bền vững.

BoE liên tục tăng lãi suất kể từ tháng 12/2021 đến tháng 8 năm nay trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết ngân hàng sẽ theo dõi chặt chẽ sự cần thiết phải tiếp tục tăng lãi suất hay không, song nhấn mạnh ngay cả khi không cần thì cũng quá sớm để xem xét việc giảm lãi suất.

Ông Bailley dự báo lạm phát tại Anh sẽ tiếp tục giảm, từ mức 6,7% vào tháng 9 xuống dưới 5% trong tháng 10 và sẽ duy trì ở mức như vậy cho đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát dự kiến sẽ không giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% cho đến cuối năm 2025..

BoE cảnh báo lạm phát vẫn có nguy cơ tăng, với xung đột leo thang tại Trung Đông có thể đẩy giá năng lượng lên cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát tại Anh sẽ cao hơn các nước thành viên khác trong Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) trong năm nay và năm tới.

BoE cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong trung hạn sẽ vẫn ở dưới mức trung bình. Tăng trưởng kinh tế dự kiến không tăng trong quý 3 và thấp hơn so với dự báo trước đó và sẽ chỉ tăng 0,1% trong quý 4.

Đồng bảng Anh nhích lên sau công bố của BoE, tăng 0,4% lên mức 1 bảng đổi được 1,22 USD

Chống lạm phát, ECB có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa

Bà Isabel Schnabel - Thành viên trong Hội đồng Điều hành của ECB.
Bà Isabel Schnabel - Thành viên trong Hội đồng Điều hành của ECB.

Trong buổi phát biểu ngày 2/11, bà Isabel Schnabel, một thành viên trong Hội đồng Điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã đề cập đến việc cần thêm một lần tăng lãi suất như một phần của nỗ lực kiểm soát lạm phát của ECB.

Bà Schnabel cho rằng các cú sốc phía nguồn cung có thể khiến các dự báo lạm phát không chắc chắn, sau giai đoạn dài ở mức cao. Điều này có nghĩa ECB có thể vẫn tăng lãi suất.

Phát biểu của bà Schnabel diễn ra một tuần sau khi ECB duy trì lãi suất ổn định lần đầu tiên trong hơn một năm. Các thị trường và chuyên gia kinh tế đã dự đoán rằng lãi suất sẽ tiếp tục ở mức 4% cho đến năm 2024, đặc biệt sau khi lạm phát đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây và xuống còn 2,9% vào tháng 10 vừa qua.

Theo bà, mất một năm để giảm lạm phát từ mức 10,6%, nhưng sẽ cần gấp đôi thời gian này để đạt mục tiêu 2%. Tốc độ tăng chi phí trên mỗi lao động cần giảm xuống các mức phù hợp với lạm phát trung hạn 2%.

Bà Schnabel cũng cảnh báo rằng nỗ lực kiểm soát lạm phát trong giai đoạn này sẽ trở nên không chắc chắn hơn, chậm hơn và khó khăn hơn. Bà nêu lên các yếu tố mới có thể ảnh hưởng đến việc này, bao gồm căng thẳng tại Trung Đông, cuộc đình công tại các nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Australia và tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Trong phát biểu cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, Klaas Knot, cũng cho rằng có thể cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đảm bảo lạm phát đạt mức 2%.

Theo Báo Kiểm toán