Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Chỉ nên quy định những tiêu chí căn bản, khả thi, không quy định cứng

Bảo Thương

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không nên quy định cứng.

Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 3/11/2023, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thảo luận tại Hội trường, liên quan đến điều kiện về khu tái định cư, đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục..., phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…

Đại biểu cho rằng với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong dự thảo luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”. 

Về tài sản gắn liền với đất thuê khoản 2 Điều 34, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng quy định theo hướng này bảo đảm tài sản nhà nước, thực hiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính nêu ý kiến thảo luận tại Hội trường.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính nêu ý kiến thảo luận tại Hội trường.

Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, hiện đang có 2 phương án, đại biểu TP. Hà Nội tán thành với phương án 1 quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế) phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển. Bên cạnh đó, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất.

Theo đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cao, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đảm bảo ba nội hàm là: Công tác quản lý của Nhà nước, quyền lợi của Nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp.

Đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội mà Nhà nước phải thu hồi đất thương mại dịch vụ, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp như đất trụ sở cơ quan, đất nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trạm xăng, trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện xe… thì người thu hồi đất sẽ không được thuê đất để tiếp tục kinh doanh nữa. Muốn kinh doanh phải đi tìm đất đấu giá nhưng nếu đấu giá không được, đương nhiên người bị thu hồi đất phải dừng hoạt động đóng cửa, sa thải người lao động. Như vậy, không đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận đất đai.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá đối với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thu hồi thì phải bố trí lại để tái sản xuất.