Chìa khóa chinh phục thị trường các nước Hồi giáo

Sản phẩm vào thị trường Hồi giáo yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ Halal.

Hội nghị “Xúc tiến hàng nông, thủy sản của Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và tỉnh Bến Tre đồng chủ trì tổ chức sẽ diễn ra vào chiều ngày 19/10/2022, tại Hà Nội đang được tỉnh ráo riết chuẩn bị. Trong đó, yêu cầu về chứng nhận Halal được xem là “chìa khóa” để doanh nghiệp đưa hàng hóa vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.

Thủy sản là một trong những mặt hàng được thị trường các quốc gia Hồi giáo quan tâm. Ảnh: Thạch Thảo
Thủy sản là một trong những mặt hàng được thị trường các quốc gia Hồi giáo quan tâm. Ảnh: Thạch Thảo

Chứng nhận Halal

Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Niệm cho biết: Thị trường dành cho người Hồi giáo không đòi hỏi sản phẩm đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà hầu hết chỉ đòi hỏi phải được cấp chứng nhận Halal trước khi gia nhập thị trường này.

Chứng nhận Halal là một nhóm các tiêu chuẩn Halal (được phép) và Haram (không được phép, cấm) dùng để chỉ chuẩn mực và giá trị của người Hồi giáo theo kinh Qur’an và Luật Sharia (Luật Hồi giáo). Trước đây, chứng nhận Halal áp dụng cho thịt gia súc, gia cầm - những loại thực phẩm mà theo kinh Qur’an, người Hồi giáo được và không được ăn. Ngày nay, chứng nhận Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm như: sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn...

Các doanh nghiệp (DN) đã được cấp chứng chỉ về thực phẩm như HACCP hoặc ISO 22000:2005 sẽ dễ dàng hơn trong việc được cấp chứng nhận Halal. Đặc biệt, chứng nhận Halal không đề cập các yếu tố về mặt kỹ thuật mà chỉ yêu cầu quá trình sản xuất, nguyên vật liệu phải đáp ứng các yêu cầu về Halal.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm chia sẻ: “Việc chứng thực Halal khác với việc chứng thực các tiêu chuẩn khác ở chỗ nó không mang nhiều ý nghĩa về mặt quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm mà mang ý nghĩa chủ yếu về mặt tôn giáo. Người Hồi giáo thường mua sản phẩm nếu đáp ứng hai yêu cầu bắt buộc là có dấu Halal và có ngôn ngữ thân thiện với ngôn ngữ của họ”.

Hiện nay, có 3 chương trình chứng nhận Halal. Thời gian, hiệu lực khác nhau từ 1 - 3 năm áp dụng, tùy chương trình, từng loại sản phẩm và thị trường khác nhau, tiêu chuẩn chất lượng cũng khác nhau. 3 chương trình chứng nhận Halal là: Halal JAKIM, Halal MUI và Halal GCC. Trên thế giới hiện có khoảng 300 tổ chức cấp chứng nhận Halal nhưng chỉ có 122 tổ chức được công nhận là thành viên của Liên minh Halal Quốc tế IHIA.

Tại Việt Nam có Trung tâm Kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận Halal cho các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo được công nhận là thành viên của IHIA - Halal Việt Nam (HVN).

Chinh phục thị trường

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn. Song, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của các DN trong nước vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá.

Đánh giá tiềm năng của thị trường các nước Hồi giáo, phía Sở Công Thương nhận định: Khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người, chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới, với khoảng 470 tỷ USD. Trong đó, Đông Nam Á là 230 tỷ USD; Nam Á, Thái Bình Dương là 238 tỷ USD. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal, với các sản phẩm chủ yếu là đồ hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD.

Hội nghị “Xúc tiến hàng nông, thủy sản của Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo” do Bộ Ngoại giao Việt Nam và tỉnh Bến Tre đồng chủ trì tổ chức vào ngày 19-10-2022 sắp tới dự kiến thu hút hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia.

Hội nghị sẽ có hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất sẽ giới thiệu chung về tình hình xuất khẩu nông, thủy sản chủ lực của tỉnh, các định hướng lớn của địa phương trong công tác xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch.

Phiên thứ hai, dành thời gian để các doanh nghiệp Bến Tre xúc tiến quảng bá với Hiệp hội DN của các quốc gia Hồi giáo. Những vấn đề cần quan tâm như phương thức đặt hàng, vận chuyển, thanh toán... cũng sẽ được hai bên trao đổi, làm rõ. Hội nghị “Xúc tiến hàng nông, thủy sản của Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo” được mong đợi bởi cơ hội mở rộng hợp tác cho cả hai bên. Bên cạnh đó, các DN tham gia còn có thêm nhiều thông tin về thị trường, văn hóa, quy định thương mại, tập quán kinh doanh, tiêu dùng của người dân thị trường các quốc gia Hồi giáo. Từ đó, có thể tham gia sâu vào thị trường các quốc gia tiềm năng này.