Chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa: Cần các giải pháp đồng bộ, dứt khoát


Ngày 19/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Người lao động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, phiên thứ nhất với chủ đề kích cầu tiêu dùng nội địa.

Chính phủ nhiều lần sử dụng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu.
Chính phủ nhiều lần sử dụng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu.

Phải khai thác hiệu quả thị trường nội địa

Năm 2024, Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, lạm phát 4-4,5%... Với những mục tiêu này, chúng ta gặp thách thức gì? Với câu hỏi này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, từ giữa năm 2022 đến nay, những gì kinh tế Việt Nam phải đương đầu, vượt qua và đạt được không phải chỉ chúng ta mà thế giới đều thừa nhận "Việt Nam đang lội ngược dòng".

Chính phủ nhiều lần sử dụng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây là "cỗ xe tứ mã" gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, Quốc hội, Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết, chính sách để đưa nền kinh tế vượt qua sóng gió, nhất là tác động từ bên ngoài.

Quan điểm trong chỉ đạo, điều hành là cố gắng ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính, giữ dòng tiền, kéo giảm lãi suất, đồng thời kiểm soát lạm phát… 

Sự linh hoạt ứng biến về chính sách và những nỗ lực "lội ngược dòng" của Chính phủ trong thời gian qua đã thu được kết quả. Năm 2023, dự báo tăng trưởng GDP khoảng 5%, tuy chưa bằng 2019 nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực.

Thời điểm hiện nay, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã trở lại, cho thấy xuất khẩu có thể cải thiện trong năm 2024, nhưng dự báo thị trường thế giới vẫn còn khó khăn.

Ngoài ra, đầu tư công đang được nỗ lực giải ngân nhằm kích thích tổng cầu; những khó khăn của thị trường bất động sản từng bước được tháo gỡ, kỳ vọng nhiều dự án tái khởi động vào đầu quý I/2024. Tuy nhiên, thách thức trong giai đoạn tới vẫn còn.

Nhìn nhận về năm 2024, TS. Trần Du Lịch cho rằng, với những kết quả trên, "cỗ xe tứ mã" sẽ cải thiện hơn. Nhưng với thị trường nội địa, cần kích cầu như thế nào? "Tôi cho rằng đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực", ông Trần Du Lịch nêu quan điểm.

TS. Trần Du Lịch đề xuất, Quốc hội đã quyết kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Nhiều kiến nghị giảm thêm để tăng hiệu quả kích cầu. Giảm thuế giá trị gia tăng là công cụ quan trọng, giảm nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhưng nếu tăng được sức mua của thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ.

Các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện.

Ngành du lịch cũng linh hoạt nhiều chương trình, giải pháp kích cầu. Tại TPHCM, năm 2023 triển khai nhiều chương trình kích cầu nhưng cần thêm nhiều chương trình quốc gia để người tiêu dùng có điều kiện mua sắm. Và cuối cùng, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế.

Cần đồng bộ, dứt khoát, mạnh mẽ các giải pháp

Đến từ Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế, gồm: Tiêu dùng của các hộ gia đình; đầu tư của doanh nghiệp; chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu ròng. Với mỗi chính sách, phải gắn cụ thể với bối cảnh của nền kinh tế.

Những năm trước đây, kích cầu gắn với nhập khẩu nhiều do chuỗi cung ứng nội địa hóa chưa cao nên chưa lan tỏa ra nền kinh tế… Điều đó có nghĩa, các động lực tăng trưởng cần phải gắn kết với nhau, đầu tư công cũng vậy, phải lan tỏa được ra nền kinh tế.

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP; trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50-55% GDP. Với dân số khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 20 triệu người trung lưu đang tạo ra sức cầu rất lớn. Dự báo, năm 2026, sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu.

Thu nhập của 1 người chia ra hai phần, chi tiêu và tiết kiệm. Tại Việt Nam, đối với tầng lớp trung lưu, khuynh hướng tiêu dùng cận biên là khá cao, trong 100 đồng tạo ra, người dân có thể dùng tới 60-70 đồng để chi tiêu thêm, thậm chí còn lớn hơn, đi vay để chi tiêu.

Còn người có thu nhập thấp, xu hướng tiết kiệm nhiều hơn. Do đó, kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu.Ngoài ra, tiêu dùng của nước ngoài rất quan trọng. 

Năm 2024, triển vọng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu không có đột phá. Mỹ là 1 nền kinh tế tiêu dùng, cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhưng xuất khẩu của Mỹ lại gắn với nhập khẩu nhiều.

Và tăng trưởng ngoại thương cần nhìn nhận sâu hơn, tăng trưởng xuất khẩu nhưng lại gắn với nhập khẩu các yếu tố đầu vào-kích thích các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, nên cần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng.

Do đó, kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. Đặc biệt là gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hướng vào các doanh nghiệp nội địa. Cần chính sách gắn khuyến khích tiêu dùng trong nước với sản xuất trong nước, thì hệ số nhân tài khóa mới lan tỏa.

Về chính sách thuế, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, khuyến khích "người Việt Nam dùng hàng Việt" cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm từ 10 xuống 8% là cần thiết, vì thuế giá trị gia tăng lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực.

Có điều, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài, như trong 2 năm, thay vì giảm từng lần 6 tháng sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai.

Ngoài ra, cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Bởi thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu. Cần đồng bộ, dứt khoát, mạnh mẽ các giải pháp.

Cùng với đó, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Nếu không nắm được hệ thống phân phối trong nước sẽ mất nền sản xuất trong nước.

Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó, hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.

Chính phủ sẽ có nghị quyết phù hợp để triển khai thành công mục tiêu năm 2024

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết, nhiều người quan tâm mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong 2024 khả thi thế nào.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường, kinh tế Việt Nam hội nhập rất lớn, xuất nhập khẩu ở mức 200% GDP nên diễn biến tình hình quốc tế có ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, nếu tận dụng tốt các cơ hội bên trong và bên ngoài, chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

Để làm được điều này, chúng ta phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy nhiều hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. 

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết cho 6 vùng kinh tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Việc thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế, các vùng động lực, các địa phương mới nổi song hành cùng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng.

Vấn đề quan trong nữa là tiếp tục cải cách thể chế, không những hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cán bộ, công chức làm việc mà còn đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy.

Đặc biệt, có cơ chế bảo vệ cán bộ công chức, nếu không sẽ khó khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trong thực thi công vụ. Có những địa phương thời gian qua không có dự án đầu tư mới nào được triển khai, đó là nguy cơ cho chúng ta nếu tình trạng này tiếp diễn.

"Tôi tin, tại phiên họp toàn quốc của Chính phủ cuối năm, Chính phủ sẽ ra nghị quyết phù hợp để triển khai thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024", Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nói .

Theo Mạnh Hùng/baochinhphu.vn