Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2020

Thời gian qua, các chính sách ứng phó của Chính phủ Việt Nam với đại dịch Covid-19 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 cũng phát sinh một số bất cập, hạn chế chưa phù hợp với thực tế.

Thời gian qua, các chính sách ứng phó của Việt Nam với đại dịch Covid-19 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nguồn: internet
Thời gian qua, các chính sách ứng phó của Việt Nam với đại dịch Covid-19 đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nguồn: internet

Bài viết phân tích những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam thông qua thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xem xét các chính sách tài chính đã và đang được triển khai, đồng thời chỉ ra những hạn chế. Từ đó, đề xuất một số khuyến nghị về chính sách tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch có hiệu quả trong thời gian tới.

Các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Covid-19

Trong thời điểm dịch Covid-19 mang lại nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp (DN), nhưng khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,4 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,7%.

Như vậy, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 19,5%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,0%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối DN FDI tăng trưởng âm (giảm 2,9%).

Đạt được kết quả này là do Chính phủ đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ như: Miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay… Trong đó, có các giải pháp kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020, giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất của năm 2020 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giảm lệ phí trước bạ khi đăng ký đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Xem xét hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, trong đó có ngành hàng không. Cụ thể:

Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ về thuế: Chính phủ thực hiện song song việc hoàn thiện pháp luật về thuế, kéo dài thời gian hỗ trợ cùng với các biện pháp gia hạn thuế cho người dân và DN.

- Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, các DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng sẽ được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp và được áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ký, trong kỳ tính thuế năm 2020 (Nghị quyết số 16/2020/QH14; Nghị định số 114/2020/NĐ-CP). Theo đó, khoảng 700 nghìn DN (chiếm 93% tổng số DN cả nước đang hoạt động) sẽ được hưởng lợi.

- Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực kể từ ngày ký đã tạo điều kiện cho các DN, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình bớt khó khăn trong giai đoạn dịch và sau dịch. Gói hỗ trợ này với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng (1,2% GDP) gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69,3 nghìn tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng). Tổng số tiền đã thực hiện tính đến ngày 31/7/2020 khoảng 56.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,2% quy mô gói hỗ trợ.

- Gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020 (Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP). Qua đó, tại Nghị định số 109/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Nghị định quy định cụ thể gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10/2020 với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

- Gia hạn thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 5 năm đang được quy định theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14, có hiệu lực từ 01/01/2021 (Nghị quyết số 107/2020/QH14). Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31/12/2025. Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư.

- Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ 01/8/2020 đến hết 31/12/2020 theo Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14. Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN lên 11 triệu/tháng (mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/ tháng, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ), được áp dụng từ 01/7/2020 (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14) được thực hiện trong bối cảnh đang diễn ra dịch Covid-19 đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động.

- Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017 của Chính phủ về áp trần tỷ lệ lãi vay các DN có hoạt động liên kết. Trong đó, quy định xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm, nâng trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN từ 20% - 30%. Khoản tiền được hồi tố, hoàn trả lại cho các DN lên đến gần 5.000 tỷ đồng cùng với việc Nghị định sửa đổi được ban hành kịp thời, đúng thời điểm dịch Covid -19 như một nguồn hỗ trợ quan trọng cho DN để vượt qua dịch Covid-19 và khôi phục hoạt động sản xuất sau dịch.

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ tín dụng: Kể từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện giảm 3 lần một loạt lãi suất điều hành như lãi suất tiền gửi, lãi suất qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu... để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Điều chỉnh lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ OMO từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm…

Tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg với tổng số tiền tái cấp vốn tối đa là 16.000 tỷ đồng (Thông tư số 12/2020/TT-NHNN)

Như vậy, gói tiền tệ - tín dụng có giá trị ước tính 36,6 nghìn tỷ đồng (0,6% GDP), bao gồm: (i) Mức lãi suất khi các TCTD cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1 - 2,5%/năm so với thông thường), quy mô cam kết khoảng 600 nghìn tỷ đồng; (ii) các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); (iii) Miễn, giảm lãi (giảm 0,5 - 1,5%/năm cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); (iv) Miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác... Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20 - 25%) cả năm 2020 của các TCTD và giảm thu ngân sách tương ứng.

Thứ ba, giải ngân đầu tư công: Việc ban hành kịp thời các quy định hướng dẫn Luật Đầu tư công (Nghị định số 40/2020/NĐ-CP) và các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (Nghị quyết số 84/NQ-CP) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Theo đó, đã có 52/53 bộ, cơ quan trung và 63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020. Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch, cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%.

Thứ tư, các gói an sinh xã hội: Được hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị mất việc, người dân. Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ được thực hiện trong đợt bùng phát dịch thứ nhất hướng đến 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng, bao gồm: Người có công với Cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng; Đối tượng bảo trợ xã hội; Hộ nghèo, hộ cận nghèo; Người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng... Gói hỗ trợ cho đợt bùng phát dịch thứ hai với tổng kinh phí khoảng 18.600 tỷ đồng tập trung hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, lao động mất việc làm... chịu tác động bởi dịch Covid-19. Đây là những đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất khi nền kinh tế đối mặt với tình hình chậm phát triển do dịch bệnh, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trực tiếp người lao động gặp khó khăn.

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

Thứ năm, phát triển thị trường vốn tạo kênh huy động vốn dài hạn cho DN: Những đổi mới tại chính sách phát hành trái phiếu DN đảm bảo sự minh bạch. Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, ngày 9/7/2020, đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Trong đó, bổ sung quy định xử phạt, quy định về giao dịch trái phiếu; quy định về công bố thông tin của DN trước khi phát hành trái phiếu… đã tạo ra kênh huy động vốn quan trọng cho DN trong bối cảnh những tác động của Covid-19 làm cho DN khó khăn trong huy động vốn qua các TCTD.

Lũy kế từ đầu năm 2020 đến tháng 7/2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt 196.500 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 179.500 tỷ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm 2019. Các DN đã phát hành trái phiếu tổng cộng 171,5 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2019, bỏ xa mức tăng trưởng 37% của năm 2019.

Kết quả áp dụng các chính sách tài chính

Mặc dù, đã góp phần quan trọng trong phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19, hỗ trợ DN việc thực hiện các gói hỗ trợ còn khiêm tốn, đến đầu tháng 10/2020, khoảng 80% DN được khảo sát không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu là DN không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách. Cụ thể:

- Đối với gói hỗ trợ an sinh xã hội: Đến hiện tại mới giải ngân khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 20% (tính trên gói 62 nghìn tỷ đồng) thấp hơn rất nhiều so với dự kiến, hỗ trợ trực tiếp được cho 12,5 triệu người và khoảng 23 nghìn hộ kinh doanh. Nhiều lao động bị mất việc, giãn việc và DN được tiếp cận gói hỗ trợ này. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hết tháng 6/2020 mới có gần 16 nghìn lao động được hỗ trợ, trong khi theo dự kiến là 1 triệu người.

- Gói chính sách tài khóa (gồm số tiền thuế và tiền thuê đất) được gia hạn là trên 66 nghìn tỷ đồng, bằng 26,4% gói chính sách tài khóa. Cơ quan thuế mới tiếp nhận khoảng 113,8 nghìn giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của DN, chiếm 15% tổng số DN đang hoạt động; Tiếp nhận 19,3 nghìn giấy đề nghị gia hạn của hộ sản xuất kinh doanh, chiếm 0,98% tổng số hộ sản xuất kinh doanh trong cả nước. DN chủ yếu tiếp cận được với gói “gia hạn nộp thuế”, các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp.

- Gói chính sách tiền tệ - tín dụng (36 nghìn tỷ đồng): Hiện tại mới chỉ có 20% số DN đáp ứng được các điều kiện để giải ngân gói kích thích kinh tế này. Cho đến nay đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ vay đạt trên 3 triệu tỷ đồng. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng. Có 15,38% DN nhận được gói hỗ trợ miễn, giãn, giảm lãi vay, phí ngân hàng; 10,26 DN nhận hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ và khoảng 6,5% DN được rút ngắn thời gian xét duyệt vay vốn...

- Giải ngân đầu tư công: Đầu tư công được coi là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng năm 2020, tuy nhiên dù đã có cải thiện về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công so với cùng kỳ năm 2019, song tình hình giải ngân vẫn còn chậm, vốn cần giải ngân trong năm 2020 cao gấp hơn 2 lần so với năm 2019.

Một số khuyến nghị, đề xuất

Quan điểm của tác giả cho rằng, chính sách tài chính cần hỗ trợ cho các DN sau đợt bùng phát dịch lần thứ 2 và kéo dài đến hết năm 2021 chủ yếu tập trung vào tạo điều kiện, hỗ trợ DN giải quyết các vấn đề về vốn, giảm thiểu các chi phí phát sinh; đồng thời cần đánh giá, phân loại, lựa chọn để hỗ trợ đúng đối tượng. Chú trọng hỗ trợ các DN thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch.

Các chính sách tài chính được ban hành được kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực trong việc tạo niềm tin cho DN và người dân vượt qua khó khăn và khủng hoảng tài chính sau thời kỳ dịch. Các chính sách kích thích tổng cầu chủ yếu thông qua tăng đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Cụ thể:

Một là, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động, thất nghiệp. Trong đó, quan tâm, chú trọng đến đối tượng lao động trong các có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua hỗ trợ để giải quyết vấn đề trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Theo báo cáo nhanh của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ở Việt Nam, những lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, bất động sản, sản xuất... hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam.

Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và trình độ kỹ năng thấp, phụ nữ chiếm phần đông. Điều đó có nghĩa rằng, khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ. Các lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất theo Báo cáo nhanh của ILO hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam (trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên). Vì vậy, trong các gói hỗ trợ cần chú trọng đến đối tượng trong các ngành này.

Hai là, tập trung hơn vào các gói chính sách hỗ trợ tiền tệ - tín dụng, tiếp tục duy trì gói chính sách tài khóa thông qua thuế, tiền sử dụng đất. 

- Chú trọng hơn đến các chính sách hỗ trợ về tín dụng: Rà soát các điều kiện để DN có thể tiếp tận tín dụng, tập trung triển khai cho vay lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, minh bạch, có lộ trình kết thúc cụ thể. Xem xét cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi (thấp hơn thị trường khoảng 2%/năm) cho một số DN gặp khó khăn về tài chính trong một số lĩnh vực rất khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo...

Hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, góp phần thúc đẩy tài chính - ngân hàng số. Cần mở rộng đối tượng hỗ trợ và gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ, cân nhắc thời điểm phải chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho các TCTD, tránh nợ xấu tăng đột biến... (TS. Cấn Văn Lực - BIDV, Nguyễn Minh Cường - ADB). Có giải pháp hỗ trợ vốn cho DN nhỏ và vừa thông qua Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

- Tiếp tục kéo dài thời gian gia hạn cho các chính sách hỗ trợ về thuế, giảm chi phí hạ tầng. Tuy nhiên, cần thận trọng khi áp dụng gói chính sách tài khóa, đặc biệt giảm thuế. Theo tính toán sơ bộ, “chỉ cần giảm 1% thuế GTGT có thể gây hụt thu ngân sách đến hơn 30.000 tỷ đồng” (TS. Cấn Văn Lực). Trong khi nguồn thu NSNN là rất quan trọng để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi và đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.

Ba là, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các nguồn vốn để vượt qua những khó khăn, thách thức. Cụ thể:

- Phát triển các định chế tài chính phi ngân hàng để tạo thêm kênh huy động vốn cho DN. Quỹ Đầu tư, quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa tại một số tỉnh, thành phố bước đầu phát huy vai trò là công cụ huy động vốn, đầu tư vốn, hỗ trợ vay vốn tín dụng để đầu tư các dự án, đầu tư của DN tại địa phương theo mục tiêu được cấp ủy đảng, HĐND và chính quyền thống nhất đưa ra. Do đó, NHNN cần hoàn thiện các quy định về quản lý các định chế phi ngân hàng để mở rộng thêm một công cụ huy động vốn, đồng thời giảm thiểu rủi ro hệ thống và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường tài chính.

- Tăng cường các biện pháp để thúc đẩy thị trường trái phiếu DN phát triển. Đây cần được coi là điểm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Các DN phải trực tiếp huy động vốn trung dài hạn trên thị trường tài chính, giảm lệ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục đẩy mạnh kênh này để hút vốn dài hạn trong bối cảnh NHNN ngày càng siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của ngân hàng. Với hành lang pháp lý hình thành trên cơ sở Nghị định số 163/2020/NĐ-CP, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2021, Luật DN, Luật các TCTD và nhu cầu vốn ngày càng tăng của DN khác, trong đó có DN bất động sản, DN tham gia các hoạt động mua bán và sáp nhập chắc chắn thị trường phát hành trái phiếu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển thị trường chứng khoán, sớm ban hành đồng bộ hệ thống nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật DN, Luật Đầu tư, cũng như việc xem xét sửa đổi các văn bản pháp luật khác có liên quan nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng cho các DN, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị DN.

Bốn là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ khác: Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục nghiên cứu giảm giá điện nhằm hỗ trợ người dân và DN duy trì sản xuất, các DN logistic cần áp dụng các nền tảng chào giá trực tuyến nhằm cắt giảm chi phí logistic cho các DN xuất khẩu… 

Tài liệu tham khảo:

Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, ngày 9/5/2020;

ILO (2020), Báo cáo theo dõi nhanh số 2: Covid-19 và thế giới việc làm, cập nhật dự báo và phân tích, ILO 7/4/2020;

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước số 561/UBQLV-TH ngày 01/4/2020;

Standard Chartered, Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu – Triển vọng kinh tế Q2/2020, 23/4/2020;

Vĩnh Chi (2020), Cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp của Việt Nam bị khối ngoại thâu tóm với giá rẻ, link https://vietnamfinance.vn/canh-bao-nguy-co-doanh-nghiep-cua-viet-nam-bi-khoi-ngoai-thau-tom-voi-gia-re-20180504224238302.htm;

Bích Thủy (2020), Doanh nghiệp Dệt may sẽ giảm lợi nhuận trong năm 2020, link https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-det-may-se-giam-loi-nhuan-trong-nam-2020-20180504224238747.htm;

Quỳnh Trang (2020), Các nước lo công ty nội địa bị thâu tóm sau đại dịch, link https://vnexpress.net/cac-nuoc-lo-cong-ty-noi-dia-bi-thau-tom-trong-dai-dich-4094997.html.