Các nước quản lý thuế tài nguyên như thế nào?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Chính sách thuế tài nguyên của các nước trên thế giới rất đa dạng, phương pháp đánh thuế và mức thuế suất đối với các loại tài nguyên cũng rất khác nhau.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn thu

Qua tham khảo các chính sách thuế tài nguyên của một số quốc gia cho thấy, một số cách đánh thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên có thể nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam.

Chính sách thuế đơn giản, dễ thực hiện

Theo Luật Thuế tài nguyên của Úc, thuế được đánh trên thu nhập thu được từ mỏ sắt, mỏ than mới và đang khai thác. Thuế này chỉ đánh trên giá trị tài nguyên đưa vào chế biến, không đánh trên giá trị tăng thêm trong hoạt động chế biến. Bà Hoàng Thị Hà Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, việc thu thuế này tương tự thuế tài nguyên đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam. Với việc thu thuế theo từng dự án, dựa trên thu nhập phát sinh hàng năm đối với từng dự án (với thuế suất là 22,5%, thuế suất phổ thông là 30%) cho thấy, việc đánh thuế trên giá trị tài nguyên khai thác mà không đánh trên giá trị tăng thêm ở khâu chế biến, hạn chế khai thác, khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả.

Còn đối với Trung Quốc, thuế tài nguyên được đánh theo giá trị tuyệt đối trên sản lượng khai thác. Số thuế phải nộp bằng số thuế tuyệt đối, nhân với sản lượng tài nguyên khai thác. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cách đánh thuế này đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, tạo sự bình đẳng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên. “Cách đánh thuế này tương tự như Việt Nam về mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai khoáng, tiền sử dụng nước, cả hai loại tài nguyên này đều bị thu mức tuyệt đối dựa trên sản lượng tài nguyên. Mục đích là hạn chế việc khai thác tài nguyên”, bà Giang cho biết.

Một cách đánh thuế tài nguyên khác, đó là thu thuế tuyệt đối dựa trên sản phẩm đối với hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên như đất, đá; khai thác nước mặt, nước dưới lòng đất; xả rác thải gia đình, rác thải công nghiệp và xây dựng; khí gây ô nhiễm môi trường, khí thiết bị công nghệ thải ra hiệu ứng nhà kính vượt mức cho phép; hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước; các sản phẩm nguy hại môi trường; đóng gói hàng hóa, vật dụng không tái sử dụng được; chất phóng xạ… “Quy định này được lồng ghép nhiều chính sách thuế và phí tương tự với Việt Nam đã ban hành như: Thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, phí khai thác khoáng sản”, bà Giang cho biết.

Mặc dù mỗi quốc gia áp dụng cách đánh thuế khác nhau, nhưng có một điểm chung là chính sách thuế rất đơn giản, dễ thực hiện và đều nhằm mục tiêu là khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, hạn chế khai thác tài nguyên một cách tràn lan, ồ ạt.

Một số cách đánh thuế có thể áp dụng ở Việt Nam

Qua tham khảo chính sách thuế tài nguyên của một số quốc gia cho thấy, một số cách đánh thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên có thể nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam, như đánh Thuế tuyệt đối thu trên đơn vị số lượng đầu ra. Cách đánh thuế này có ưu điểm là đơn giản, dễ quản lý, có thể thu ngay khi việc khai thác được thực hiện. Tuy nhiên, chính sách thuế này ảnh hưởng đến sản lượng khai thác và chất lượng quặng, hoặc khoáng sản được khai thác trong từng thời kỳ.

Một cách đánh thuế khác, đó là Thuế phần trăm đánh trên đơn giá đầu ra. Cách đánh thuế này giống với thuế tuyệt đối đánh trên đơn vị số lượng sản phẩm đầu ra, do đó có thể tác động đến quá trình khai thác quặng. Thuế này là một phần cố định trên sản phẩm khoáng sản, hay trên giá trị của nguồn khoáng sản. Việc quản lý này rất đơn giản và số thu từ thuế sẽ phát sinh ngay từ thời điểm việc khai thác bắt đầu.

Một số nước cũng đánh Thuế thu nhập đối với hoạt động khai thác tài nguyên, nghĩa là hoạt động khai thác tài nguyên cũng phải nộp thuế thu nhập giống như các lĩnh vực khác. Theo đại diện Tổng cục Thuế, cái hay của việc đánh Thuế thu nhập đối với hoạt động khai thác tài nguyên ở chỗ, nó không tạo nên sự méo mó so với các loại thuế đánh trên sản phẩm đầu ra. Thực tế là doanh nghiệp thích loại thuế này hơn vì họ không phải chịu các vấn đề phát sinh như hai cách đánh thuế trên. Tuy nhiên, với cách thu thuế này, số thuế thu được vào ngân sách nhà nước sẽ thiếu ổn định, và vì thế dễ gây mất cân đối đối với hoạt động thu ngân sách.

Một cách đánh thuế khác, đó là Thuế tài nguyên kết hợp với Thuế thu nhập. Cách đánh thuế này là sự kết hợp giữa thuế đánh trên sản phẩm đầu ra và thuế thu nhập như đã phân tích trên đây. “Theo cách đánh thuế này, thuế tài nguyên sẽ được tính trên cơ sở tỷ lệ nhất định, áp dụng đối với sản lượng quặng hay giá trị đầu ra, còn phần thu nhập chịu thuế trong thuế thu nhập được tính trên cơ sở tổng doanh thu trừ đi chi phí liên quan và thuế tài nguyên đánh trên sản phẩm đầu ra. Chính phủ có thể lựa chọn áp dụng một thuế suất thuế tài nguyên đánh trên đầu ra tương đối thấp, đồng thời đánh thuế thu nhập thông thường. Cách đánh thuế này đảm bảo có nguồn thu từ khi bắt đầu khai thác mà không gây gánh nặng cho các nhà đầu tư”, bà Giang phân tích.

Được biết, Tổng cục Thuế đang tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thông lệ quốc tế về chính sách Thuế tài nguyên để sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên trong thời gian tới.