Cắt giảm thủ tục hành chính thuế, hải quan: Doanh nghiệp lợi, ngân sách cũng lợi

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Điểm khác biệt trong lần cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan này là chúng ta đã làm rất cụ thể, thiết thực, căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế để phấn đấu. Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Cắt giảm thủ tục hành chính thuế, hải quan: Doanh nghiệp lợi, ngân sách cũng lợi
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Phóng viên: Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành đang tích cực triển khai cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt về thuế và hải quan, như là một trong những giải pháp để góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% năm nay. Ông đánh giá thế nào về những biện pháp này?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi đây là những nỗ lực rất có ý nghĩa và thực sự đáng hoan nghênh. Đây là cách làm rất khác với những lần cải cách trước đây. Những lần trước, chúng ta đã cố gắng cải cách một cách tổng quát, về thủ tục, đào tạo, thể chế… quy mô rất lớn. Đó cũng là cách tốt nhưng không rõ mục tiêu và không rõ tiêu chí so sánh với thế giới. Dù làm nhiều, nghe thì tốt nhưng bản chất là khó vì nguồn lực và thời gian hạn chế. Vấn đề quan trọng là phải xác lập mục tiêu ưu tiên, khi đó cải cách mới thực sự đạt được kết quả, và kết quả đó sẽ thúc đẩy nhiều tiến triển khác.

Tuy nhiên, lần này chúng ta đã làm rất thiết thực, cụ thể và căn cứ vào chuẩn của thế giới để phấn đấu. Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ là người điều hành công việc này. Thủ tướng là một nhà kỹ trị, và Bộ Tài chính phản ứng như một nhà kỹ trị. Khi thời gian làm thủ tục thuế, hải quan của chúng ta chênh quá xa so với trong khu vực, thì chúng ta đặt mục tiêu là đạt được như họ, từng bước một, gỡ vướng ở từng nơi, ở Bộ, ở Chính phủ và cả ở Quốc hội. Như vậy, phương pháp luận là chuẩn.

Điểm khác thứ hai là cương quyết, có căn cứ, chứ không duy ý chí. Duy ý chí như kiểu đặt chỉ tiêu cắt 10% biên chế nhưng cả chục năm chúng ta không làm được. Nhưng với lần này, chúng ta có thể làm được bởi biết vướng chỗ nào, gỡ chỗ nào. Bộ Tài chính có lẽ đi tiên phong trong cách làm này. Nếu không có bước đi này thì cũng không có bước đi tiếp theo.

Từ 1/9, Bộ Tài chính đã cho triển khai một loạt quy định mới, để cắt giảm từ hơn 800 giờ làm thủ tục thuế xuống còn 354 giờ/năm. Sắp tới, Bộ cũng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt nhiều sửa đổi như doanh thu 50 tỷ đồng trở xuống sẽ khai thuế theo quý thay vì theo tháng; quyết toán thuếTNDN một lần một năm; bỏ khống chế 15% với chi phí tiếp thị, khuyến mại… Ông đánh giá thế nào về những giải pháp cụ thể này?

Cách làm này là rất thiết thực, dù giảm hàng trăm giờ làm thủ tục ngay như vậy là một thách thức lớn. Những thứ mà Bộ Tài chính tự quyết được thì đã quyết, đó là phản ứng rất nhanh. Chính phủ cũng đã quyết trong thẩm quyền của mình. Bây giờ “bóng” ở trong chân Quốc hội. Tôi nghĩ rằng Quốc hội sẽ ủng hộ ngay vì tất cả đều vì mục tiêu chung là cải thiện môi trường kinh doanh, đưa kinh tế phát triển. Vấn đề ở đây là Bộ Tài chính phải trình kịp thời gian, và Ủy ban Thường vụ xem xét kịp, nếu không sẽ khó cho thúc đẩy cải cách, điều hành trong năm sau.

Riêng về chuyện bỏ khống chế chi phí tiếp thị, khuyến mại, đó là một việc làm rất đúng ở thời điểm chúng ta muốn nâng tổng cầu. Khi mà đầu tư công, tín dụng đều khó tăng lên để kích cầu, thì nên để DN kích cầu bằng quảng cáo, tiếp thị. Bởi thái độ tiêu dùng của người dân là rất quan trọng với nền kinh tế. Để DN Việt Nam mạnh hơn, hàng Việt Nam được ưa chuộng hơn, thì cần để DN quảng bá nhiều hơn. Chính sách này Bộ Tài chính trình ra, là một người nghiên cứu về truyền thông và pháp luật, tôi rất ủng hộ.

Theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt cần thực hiện để đẩy nhanh tốc độ cải cách thủ tục hành chính, sớm đạt mục tiêu giảm thời gian làm thủ tục thuế, hải quan xuống tối thiểu bằng mức trung bình các nước ASEAN 6?

So với các nước trong khu vực cũng như thế giới, không chỉ DN đối mặt với thách thức cạnh tranh mà các cơ quan công quyền cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh. Thách thức thứ nhất hiện nay là vướng về pháp lý. Các quy định thuộc thẩm quyền của Bộ, của Chính phủ thì sẽ xử lý nhanh, còn của Quốc hội thì phải thuyết phục được Quốc hội, mà quy trình thủ tục của Quốc hội không thể nhanh được. Đó cũng là một thách thức, làm sao cho kịp và thuyết phục được Quốc hội.

Thách thức thứ hai là năng lực con người. Khi cắt giảm thời gian, cán bộ sẽ phải xem văn bản và có phản ứng trong thời gian rất ngắn, đòi hỏi phải có năng lực cao hơn. Năng lực đội ngũ là vấn đề rất lớn. Với cơ chế cũ có thể không sao nhưng với những cải cách quyết liệt hiện nay thì áp lực lên bộ máy là khá lớn.

Thách thức tiếp theo là động lực. Thiết kế mô hình để động lực phấn đấu làm việc tốt hơn là rất khó. Vì lương chỉ có như vậy, dù làm nhanh hơn, nhưng chúng ta liệu có chuẩn bị để một người làm năng suất gấp 3 hưởng lương gấp 3 hay không ? Năng lực là một vấn đề nhưng động lực lại là vấn đề hoàn toàn khác, rất khó xử lý. Còn một trở ngại lớn nữa là chống lại “khuyến khích ngược”. Khuyến khích ngược nghĩa là càng làm chậm, phiền hà cho DN thì lại có tiền, làm nhanh thì không có tiền. Trong quản trị, phải có biện pháp thắng khuyến khích ngược, không để khuyến khích ngược kéo lùi sự phát triển.

Ngoài ra, còn phải áp đặt chế độ trách nhiệm, đứng đằng sau vấn đề động lực. Chế độ trách nhiệm gắn với tuân thủ, nhưng chi phí để phát triển chế độ trách nhiệm rất lớn, vì phải có bộ máy theo dõi, thanh tra, kiểm tra… Việc giám sát là còn phải tạo diễn đàn cho DN, người dân giám sát, và đo đếm, nhận phản hồi thông tin. Nếu căn cứ vào mức độ hài lòng để thưởng thì sẽ tạo ra chế độ khuyến khích, chứ không chỉ là trách nhiệm.

Giảm nhanh thời gian làm thủ tục hành chính thuế, hải quan là rất tích cực. Nhưng theo ông, cần làm gì để những cải cách này bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài, đồng thời vẫn đảm bảo tính quản lý nhà nước và không ảnh hưởng nguồn thu ngân sách?

 
Để đánh giá, cần có số liệu cụ thể. Thực tế, nếu giảm bớt thủ tục, có thể có quan điểm việc “qua mặt” quản lý sẽ dễ hơn. Tất nhiên, chúng ta không cắt thủ tục đồng loạt mà phải cắt hợp lý, chọn lọc, tránh xu thế cực đoan. Mặt khác, muốn quản lý được, không nên nghĩ quản lý chỉ vì quản lý, để thể hiện quyền năng.

Quản lý là để DN làm ăn tốt hơn, bảo đảm minh bạch, tạo môi trường bình đẳng, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, bảo vệ quyền tài sản của DN, các hợp đồng được tuân thủ…. Như vậy, những quy định nào bảo đảm điều đó thì giữ lại, còn những quy định chỉ để tăng quyền cho bộ máy thì không nên. Để đảm bảo những tiêu chí trên, thực chất không cần quá nhiều thủ tục. Cần học tập kinh nghiệm các nước phát triển, áp dụng công nghệ thông tin.

Ý kiến cho rằng cắt giảm thủ tục có thể ảnh hưởng thu ngân sách tôi cho rằng không có cơ sở. Vì DN làm nhanh gấp đôi thì đóng thuế nhanh gấp đôi khi hoạt động kinh doanh được đẩy nhanh, dòng tiền, hàng hóa chuyển động nhanh hơn.
 Có thể một số ít DN có điều kiện trốn thuế, tuy nhiên để giám sát việc DN trốn thuế là nghiệp vụ khác. Giám sát phát hiện là kỹ năng khác, và chúng ta nên tập trung phát triển kỹ năng đó, đồng thời thông thoáng thủ tục.

Bỏ bớt thủ tục, có thể một vài DN sẽ lợi dụng, nhưng tính tỷ lệ trên tổng số các DN làm ăn tốt hơn thì hiệu quả cao hơn nhiều. Hơn nữa, khi nỗ lực cải cách thực sự, chúng ta sẽ được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đó là căn cứ để các DN đầu tư vào, để chúng ta vay vốn giá rẻ hơn. Có rất nhiều lợi ích từ nhiều khía cạnh, đừng nên lo một vài DN trốn thuế mà bỏ qua lợi ích chung lớn hơn nhiều. 

Xin cảm ơn ông!./.