Chi Cục Thuế Trần Văn Thời: Nét riêng trong nhiệm vụ chung

Theo Tạp chí Thuế

Trong số 9 đơn vị trực thuộc Cục Thuế tỉnh Cà Mau, Chi cục Thuế huyện Trần Văn Thời luôn đảm nhiệm và thực hiện số thu ngân sách cao nhất, thậm chí gấp 2-4 lần các huyện còn lại. Tìm hiểu việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và thu thuế nơi đây, chúng tôi nhận thấy một số nét riêng đáng chú ý.

Hoạt động nghiệp vụ Chi cục Thuế huyện Trần Văn Thời.
Hoạt động nghiệp vụ Chi cục Thuế huyện Trần Văn Thời.
Năm 2012, Chi cục Thuế được giao chỉ tiêu pháp lệnh 143 tỷ và phấn đấu thu 150,5 tỷ đồng. Đúng vào ngày cuối cùng của năm, Chi cục trưởng Đinh Xuân Lỡi phấn khởi thông báo: “Đến ngày 20/12, Chi cục Thuế đã hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh và hôm nay vừa hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu, tăng 10,9% so với thực thu của năm 2011, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Cục Thuế Cà Mau”. Trong đó, nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh (chiếm 91% tổng số thu) đạt cao nhất - 135,8 tỷ đồng, tương đương 105% dự toán; và Đội Thuế thị trấn Sông Đốc là đơn vị hoàn thành dự toán cao nhất cả về số tuyệt đối lẫn số tỷ lệ: thu 36 tỷ đồng, đạt 107,46% dự toán năm.
 
Đặc điểm bao trùm công tác thuế ở huyện Trần Văn Thời là số cán bộ công chức ít (tổng cộng có 41 công chức và 4 lao động hợp đồng) nhưng vẫn phải “căng ra” địa bàn rộng tới 702,3 km2 mà điều kiện giao thông lại rất khó khăn với nhiều kênh rạch, cửa sông, biển lớn. Đó là chưa kể do địa bàn thuộc vùng xa, nhiều thôn xã nằm trong diện hưởng ưu đãi của Nhà nước đối với một vài sắc thuế (điển hình là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) chi phí để thu lớn hơn số tiền thuế thu được, hoặc việc hoàn thuế dù ít nhưng không thể không hoàn cho người nộp thuế dù công sức bỏ ra rất lớn.

Trong năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện về cơ bản là ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều so với các vùng trung tâm, đô thị khác. Ngành kinh tế mũi nhọn là khai thác, chế biến, kinh doanh thủy hải sản (tôm xuất khẩu là chính) vẫn đạt sản lượng khá do sự năng động của người dân vừa nuôi trồng, khai thác tại chỗ; vừa đánh bắt xa bờ kết hợp thu mua từ nơi khác về, thậm chí cả hợp tác với ngư phủ nước ngoài.

Chi cục trưởng Đinh Xuân Lỡi không ngần ngại tiết lộ: với lực lượng hiện có gồm 02 đội thuế liên xã và 6 đội chuyên môn, chúng tôi phải kết hợp đan xen hai phương pháp quản lý, theo đó 235 doanh nghiệp trong huyện (gồm 119 theo phương pháp khấu trừ và 115 là ấn định) do 2 đội Kê khai và Kiểm tra quản, còn 1038 hộ kinh doanh cố định giao cho 2 đội thuế liên xã quản, với doanh thu bình quân 58,4 triệu và thuế bình quân 493.000đ/hộ/tháng. Dù quản lý theo cách nào thì công tác thuế luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đáng trân trọng hơn cả là sự cần mẫn, vượt gian khó của tất cả cán bộ, bởi để đến được hết các hộ trong diện quản lý dù đi bằng xe gắn máy hay vỏ lãi, xuồng ghe có khi phải mất cả một ngày. Khó khăn là vậy nhưng đôi khi tiền lương, thưởng và các khoản trợ cấp Chi cục Thuế lại thường nhận muộn, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ công chức. Phải chăng đó là những nét riêng của Chi cục Thuế Trần Văn Thời trong nhiệm vụ chung của Cục Thuế Cà Mau.
 
Trong những ngày cuối năm, bộn bề với bao nhiêu công việc, nhưng không khí làm việc ở Chi cục Thuế vẫn rất hăng say. Bởi vì, sau khi chốt sổ năm 2012 với kết quả đáng phấn khởi, thì toàn Chi cục Thuế lại chuẩn bị đủ sổ bộ thuế và các điều kiện cần thiết khác, để ngay sau ngày nghỉ Tết Dương lịch bắt tay ngay vào chiến dịch thu nhanh gọn thuế môn bài năm 2013, với mục tiêu hoàn thành 100% số thu trong nửa đầu tháng 01 này. Đó là trước mắt, còn về lâu dài, nhiệm vụ thu năm 2013 được giao 162 tỷ đồng (so với 2012 tăng 13,29%) đang đòi hỏi toàn Chi cục Thuế phải phát huy truyền thống vẻ vang để tạo động lực cho năm ngân sách mới.