Chống thất thu thuế - những chuyện giờ mới kể

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Trong công tác quản lý thuế, chống thất thu được xem là lĩnh vực nhiều cam go và khó khăn nhất, đến mức nhiều anh em trong nghề vẫn ví đây là “mặt trận” giữa thời bình.

Một lần họp mặt hiếm hoi của các nữ thanh tra viên của Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế
Một lần họp mặt hiếm hoi của các nữ thanh tra viên của Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế
Để làm tròn trọng trách được giao, những cán bộ thuế đảm trách nhiệm vụ chống thất thu, ngoài phẩm chất, năng lực chuyên môn vững vàng, còn phải có thâm niên công tác để tích lũy căn bản những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết, đặc biệt là phải đủ bản lĩnh để gác lại những nỗi niềm riêng mà trọn vẹn cống hiến cho công việc - cho dù nỗi niềm ấy không dễ vượt qua, nhất là đối với nữ giới.

Từng có gần 20 công tác tại Phòng Thanh tra (bây giờ là Vụ Thanh tra) của Tổng cục Thuế, chị N.V.L chia sẻ, bao nhiêu năm tham gia các đoàn chống thất thu thuế là bấy nhiêu thời gian chị phải xa gia đình bởi hầu hết các địa bàn thanh tra đều ở phía Nam.
Do địa điểm công tác cách xa Hà Nội trong khi yêu cầu nhiệm vụ luôn hối thúc nên phải vài tuần, thậm chí vài tháng chị mới tranh thủ về thăm nhà. Không được gặp chồng con thường xuyên, nhớ nhung lo lắng đã đành, chị còn luôn mang tâm trạng áy áy, day dứt vì không thể làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con trong gia đình, nhất là khi gia đình chị sống cùng với cả nhà chồng. Đã từng nhiều đêm chị thấp thỏm đến mất ngủ khi nghe tin gia đình có việc. Đã có lúc chị muốn bỏ việc để về  nhà ngay khi biết con ốm, chồng đau nặng. 

Cũng đã có lúc tự bản thân chị thấy tủi thân, khi một mình cô đơn trong căn phòng công vụ vắng lặng mỗi khi đêm về. Rất may là sau những phút yếu lòng ấy chị đã bình tâm và cân bằng trở lại để tiếp tục với công việc được giao. Chị bảo, với những người làm công tác chống thất thu như chị thì việc phải “mất mặt” cho đến tận những ngày cận Tết Nguyên đán là thường, vì càng cuối năm công việc càng nhiều. Những năm đầu chưa quen, cứ đến gần Tết là ruột gan như có lửa đốt, vì việc nhà ngổn ngang mà nhờ vả nhà chồng cả năm rồi cũng ngại. Thế là đành phải cậy nhờ anh chị em, bạn bè thân thiết mỗi người lo cho một thứ để cái Tết của gia đình được tươm tất, bù lại những ngày tháng cách xa.
Nhưng nhờ vả mãi cũng không ổn, nên đến những năm sau cả nhà chị đành ngậm ngùi chia sẻ với “đặc thù nghề nghiệp của mẹ” mà sắm Tết muộn hơn và ăn Tết đơn giản hơn những gia đình khác. “Dù rằng nghề nghiệp tôi luyện bản lĩnh nhưng nếu không có gia đình yêu thương, cảm thông thì cán bộ thuế không thể đảm nhận nhiệm vụ chống thất thu được” - chị L đúc rút từ chính những trải nghiệm của mình. Vì thế, khi được về nghỉ chế độ, chị L tự nguyện dành toàn bộ thời gian để phụng dưỡng cha mẹ, hỗ trợ con cái, như bù lại những năm tháng vì công việc mà không thể làm tròn trọng trách với gia đình.

Cùng là đồng nghiệp với chị L nhưng ở thế hệ đương nhiệm, chị N.T.T.H cũng chất chứa rất nhiều tâm sự về gia đình mình. Bởi, vì thông cảm và chia sẻ với công việc của vợ mà chồng chị H từ vị trí “tiền tuyến” đã phải lui về làm “hậu phương” mỗi khi chị được phân công theo các đoàn chống thất thu. Biết rằng bố chăm con sẽ không thể chu đáo, việc nhà cửa, cơm nước cũng sẽ thiếu thốn, vụng về, nhưng chị vẫn phải ra vẻ làm ngơ vì nếu mềm lòng thì chẳng những công việc không hoàn thành mà “đối phương” cũng sẽ nhụt chí.
Cứ gắng mình như vậy thành quen, những tưởng sẽ bản lĩnh lắm, nhưng cứ mỗi khi nghe con mếu máo nhớ mẹ, mỗi lúc con ốm bỏ bữa, những khi chồng giận vì vất vả, nước mắt chị lại lăn dài trên má. Cho dù bây giờ truyền thông hiện đại, sau mỗi ngày làm việc chị đều có thể trò chuyện, nhìn thấy chồng con qua webcam hay máy tính kết nối mạng, nhưng nỗi lo lắng, day dứt của người vợ, người mẹ thì vẫn y nguyên - luôn hiện hữu.

Tuy thế, chị H vẫn cho rằng, nỗi niềm của chị là bình thường, chẳng thấm vào đâu so với nhiều đồng nghiệp ở cơ quan, bởi không ít chị em khác vẫn phải lên đường làm nhiệm vụ trong khi con đau ốm dài ngày chưa khỏi, chồng bệnh nặng, bố mẹ mắc bệnh nan y. Có cả những chị chồng đã mất, phải gửi con cho ông bà chăm hộ. Lại có những chị phải nhờ bố mẹ thu xếp công việc ở quê để ra chăm lo giúp việc gia đình. Cả bộ phận nơi chị công tác, hầu hết ai cũng có nỗi niềm riêng phải gác lại, bởi lẽ với nhân sự nữ chiếm đa số, dù có được ưu tiên thì trách nhiệm công việc cũng không thể chối từ. 

Nhưng có lẽ chính vì phải hy sinh những nỗi niềm riêng để toàn tâm toàn ý cho công việc mà càng ngày các chị càng thêm yêu quý, tự hào và trân trọng nghề nghiệp của mình. Không tự hào sao được khi công việc ấy, ngoài ý nghĩa to lớn là bảo vệ nguồn thu cho NSNN, thiết lập môi trường thu thuế công bằng, minh bạch cho xã hội, còn ghi dấu sự trưởng thành trong nghề nghiệp của các chị. Không yêu quý sao được khi công việc ấy chứa đựng biết bao tình cảm, ý chí, sự phấn đấu, vượt lên chính mình không chỉ của riêng người cán bộ thuế, mà còn cả gia đình của họ. Không trân trọng sao được khi vì công việc ấy, đã có biết bao thế hệ cán bộ thuế không quản nhọc nhằn, thậm chí cả máu xương để cống hiến.
Vừa mới đây thôi, ngày 22/12/2017, trong khi đang làm nhiệm vụ chống thất thu, chống buôn lậu cùng đoàn công tác tại trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (Lạng Sơn), anh Đàm Văn Phú, cán bộ Cục Thuế Lạng Sơn đã bị đối tượng chở hàng lậu lao thẳng xe vào người dẫn đến tử vong. Rõ ràng những hy sinh, mất mát với nghề làm thuế là hiện hữu, vẫn đang diễn ra hàng ngày - chỉ khác ở mức độ và chừng mực mà thôi. Thế nên dù có là chuyện bên lề, thì những cảm xúc rất thật, rất con người của những cán bộ thuế nói chung và cán bộ làm công tác chống thất thu nói riêng được chia sẻ, cũng là sự động viên với những gì họ đã và đang cống hiến. Để không chỉ người trong cuộc thêm trân quý, tin yêu công việc của mình, mà còn để cả xã hội, cộng đồng cùng sẻ chia, thấu hiểu với nhiệm vụ của người làm công tác thuế.