Chống thất thu thuế ở Cà Mau: Bước nước rút quyết liệt

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Dựa theo những chỉ đạo chống thất thu quyết liệt của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đối với 13 tỉnh, thành phố lớn có điều tiết thuế về Trung ương.

Cục Thuế tỉnh Cà Mau tổ chức đối thoại quản lý thuế với các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khác sạn, thương mại, vận tải ngoài quốc doanh (ngày 21/11/2016).
Cục Thuế tỉnh Cà Mau tổ chức đối thoại quản lý thuế với các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khác sạn, thương mại, vận tải ngoài quốc doanh (ngày 21/11/2016).

Cục Thuế tỉnh Cà Mau đã chủ động các giải pháp trong quản lý nhằm ngăn chặn hành vi sai phạm về quản lý, sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT), đặc biệt là tập trung chống thất thu khu vực ngoài quốc doanh, nhất là kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, thương mại, vận tải…

“Vùng” khai thuế… thấp

Từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2016, ngành Thuế Cà Mau đã tiến hành kiểm tra (về quy mô kinh doanh, điều tra, nắm bắt thông tin để xác định mâu thuẫn giữa khả năng kinh doanh thực tế với kê khai thuế) tại 56 doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vật liệu xây dựng, thuốc tân dược, vải sợi… Kết quả cho thấy: 6 DN tự kê khai điều chỉnh bổ sung tăng thêm tiền thuế 115 triệu đồng; 14 DN sai phạm về thuế, bị xử lý thu thêm 826 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thành Sua, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau cho biết, kết quả trên đã xác định được mức độ thất thu, hành vi trốn thuế, né thuế đang tồn tại ở nhiều cơ sở kinh doanh. Do đó, cơ quan thuế cần có đề án, kế hoạch cụ thể phục vụ công tác chống thất thu thuế lĩnh vực này thời gian tới. Cơ quan thuế đã rà soát, khoanh vùng đối với những khu vực, lĩnh vực cụ thể có số kê khai thấp hơn so với tiềm năng…

Theo số liệu quản lý thuế, tỉnh Cà Mau hiện có 4.062 DN đang hoạt động, trong đó những ngành, nghề kê khai thuế phát sinh thấp, gồm: 107 DN kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn có số kê khai thuế phát sinh bình quân khoảng 61 triệu đồng/tháng; 410 DN kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, kim khí điện máy có số thuế phát sinh chỉ ở mức 88,7 triệu đồng/tháng; 71 DN kinh doanh vận tải với 1.046 xe khách, 172 xe tải có số thuế phát sinh khoảng 860 triệu đồng/tháng; 12.710 hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế GTGT và thu nhập cá nhân, số thuế bình quân khoảng 672 nghìn đồng/hộ/tháng…

Ông Nguyễn Thành Sua cho rằng, nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau rất quan tâm công tác quản lý, chống thất thu thuế. Tuy nhiên, các hành vi gian lận, trốn thuế diễn biến phức tạp, mặc dù nhiều trường hợp vi phạm đã bị cơ quan thuế xử lý quyết liệt, nhưng tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn; mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; kê khai doanh thu, mức thuế chưa tương xứng với quy mô kinh doanh… vẫn tiếp tục xảy ra. Hiện nay, đề án chống thất thu của Cục Thuế tỉnh Cà Mau đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp, triển khai ngay các biện pháp quản lý để ngăn chặn, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Giải pháp chi tiết và mạnh mẽ

Theo kế hoạch, các ngành Thuế, Công an, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, TP. Cà Mau sẽ cùng phối hợp vào cuộc theo chức năng. Cụ thể các ngành, địa phương sẽ thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế, gồm: Thanh tra, kiểm tra ngay những DN có dấu hiệu vi phạm về quản lý và sử dụng hóa đơn; kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa mua vào, bán ra, số lượng hàng hóa tồn kho và đang lưu thông.

Giám sát phương tiện kinh doanh vận tải thông qua đăng ký, đăng kiểm, số lượng hàng hóa, hành khách khi phương tiện ra vào bến, xử lý nghiêm các phương tiện đang hoạt động nhưng không đăng ký. Sẽ xác định số lượng khách lưu trú tại khách sạn thông qua đăng ký với công an địa phương. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thể xuất hóa đơn ngay cho khách hàng thì xem phiếu thu tiền là một loại hóa đơn.

Kiểm tra, giám sát liên ngành quy mô kinh doanh thực tế. Cài đặt phần mềm quản lý tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng… để xác định số thuế phát sinh; khảo sát quy mô hộ kinh doanh khoán thuế để điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán có chênh lệch ngay trong kỳ lập bộ thuế năm 2017.

Theo ông Nguyễn Thành Sua, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý thuế trong kinh doanh xăng dầu, việc niêm phong đồng hồ các trụ bơm xăng dầu trên địa bàn đã được cơ quan thuế phối hợp các ngành chức năng hoàn thành vào ngày 20/11/2016…

Với sự chuẩn bị chi tiết, sự phối hợp vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, tỉnh Cà Mau đang hướng tới hiệu quả cao trong quản lý, chống thất thu thuế thời gian tới