Chống thất thu thuế ở Hà Nội: Chính quyền phường 'vào cuộc'

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chống thất thu thuế, thời gian gần đây, ủy ban nhân dân các cấp của Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện thu thuế, chống nợ đọng, thất thu thuế…

Trường hợp cần thiết sẽ áp dụng hình thức phong tỏa tài khoản nếu đơn vị cố tình chây ỳ, chậm nộp thuế.
Trường hợp cần thiết sẽ áp dụng hình thức phong tỏa tài khoản nếu đơn vị cố tình chây ỳ, chậm nộp thuế.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, đồng thời bảo đảm công bằng giữa những người nộp thuế (NNT).

Hiệu quả từ sự phối hợp

Mới đây, ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế nâng cao hiệu quả, hiệu lực của pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân; nâng cao hiệu quả thu ngân sách và đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật giữa những NNT.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu chính quyền các quận, huyện, thị xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác chống thất thu thuế (CTTT) của chi cục thuế; tạo điều kiện và đảm bảo an ninh, an toàn cho đoàn kiểm tra liên ngành khi thực hiện kiểm tra tại cơ sở NNT trên địa bàn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chi cục thuế triển khai thực hiện tốt công tác thuế nói chung và công tác CTTT nói riêng.

Đặc biệt, UBND các phường, xã, thị trấn cần chỉ đạo các bộ phận chức năng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế đối với công tác quản lý thuế, CTTT đối với cá nhân kinh doanh. Chính quyền thành phố yêu cầu tăng cường tuyên truyền pháp luật thuế, mời các cá nhân kinh doanh gặp mặt trực tiếp để vận động trước khi chính thức tiến hành kiểm tra và trong quá trình kiểm tra, để tránh phản ứng tiêu cực.

Ghi nhận của phóng viên tại một số phường trên địa bàn Thủ đô cho thấy, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, khi chính quyền các phường, xã trực tiếp “vào cuộc”.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai chia sẻ, sau khi có văn bản chỉ đạo của thành phố và UBND quận Hoàng Mai, phường đã xây dựng những kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề thu thuế. Cụ thể như, ban chỉ đạo CTTT, tổ tuyên truyền vận động thực hiện công tác thu hồi nợ đọng thuế đã đến gặp trực tiếp những hộ cá nhân, doanh nghiệp (DN) còn nợ thuế để đôn đốc, vận động đơn vị đóng thuế.

UBND phường cũng thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với những NNT còn nợ thuế để ghi nhận những vướng mắc của cá nhân, hộ kinh doanh trong việc tuân thủ pháp luật thuế, qua đó UBND phường sẽ phối hợp với cơ quan thuế cũng như các cơ quan liên quan để tìm hướng tháo gỡ, giải quyết.

“Đến thời điểm hiện tại, UBND phường đã hoàn thành rà soát tất cả các trường hợp nợ đọng thuế trên địa bàn phường. Công tác thu hồi nợ đọng thuế cơ bản hoàn thành theo pháp lệnh. Chỉ còn một số trường hợp nợ đọng từ nhiều năm trước, phường đang quyết tâm giải quyết, cố gắng hoàn thành trong năm nay”, ông Đức chia sẻ.

Tương tự, ghi nhận tại UBND phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch phường cho biết, hàng tháng tổ thu hồi nợ đọng thuế của phường cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan thuế trực tiếp xuống những đơn vị còn nợ thuế để nhắc nhở, đôn đốc nộp thuế. Đồng thời, phường cũng hỗ trợ cơ quan thuế trong việc thường xuyên tuyên truyền, thông tin đến các hộ dân, hộ kinh doanh trên địa bàn phường về những chính sách, pháp luật thuế mới để người dân, cơ sở kinh doanh biết và thực hiện theo đúng pháp luật.

Cần tăng cường chế tài xử phạt

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu thuế trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, cán bộ ủy nhiệm thu thuế phường Lê Đại Hành cho biết, đối với phường Lê Đại Hành, khó khăn lớn nhất trong việc thu hồi nợ thuế nằm ở những hộ kinh doanh cho thuê nhà. Bởi, theo bà Tú, nhiều chủ nhà cho khách thuê nhà với hợp đồng dài hạn, nhưng sau đó chủ nhà thường đi vắng, không ở trên địa bàn, nên rất khó để tìm và thực hiện thu thuế, trong khi người thuê nhà không chịu trách nhiệm về phần thuế phải nộp của chủ nhà.

Ghi nhận tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch phường cho biết, thường gặp khó khăn trong việc thu thuế đối với những DN đã phá sản rồi nhưng không làm thủ tục phá sản, do đó, số nợ thuế liên tục tồn đọng từ năm này sang năm khác.

Để nâng cao hiệu quả thu thuế, CTTT, ông Phạm Văn Đức cho biết, UBND quận Hoàng Mai đã giao cho các UBND phường đề xuất các giải pháp khả thi để tăng cường CTTT, đặc biệt là gia tăng những chế tài xử lý cụ thể, đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế. Những giải pháp hiệu quả sẽ được UBND quận báo cáo thành phố xin ý kiến xử lý.

Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Cừ cho biết, hiện tại đối với những trường hợp nợ đọng thuế trên địa bàn phường, các hình thức xử lý vẫn chủ yếu là phường phối hợp với cơ quan thuế gửi văn bản nhắc nhở đơn vị hoàn thành nộp thuế theo thời gian quy định hoặc mời đơn vị ra phường vận động, tuyên truyền để NNT hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cừ, thực hiện những biện pháp trên, cũng chỉ có một bộ phận cá nhân, hộ kinh doanh chấp hành tốt. “Bởi vậy, trong năm nay, UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo chi cục thuế trong trường hợp cần thiết sẽ áp dụng hình thức phong tỏa tài khoản nếu đơn vị cố tình chây ỳ, chậm nộp thuế”, ông Cừ nhấn mạnh.