Chuyên gia tư vấn JICA: Sẽ mang tới Việt Nam nhiều kinh nghiệm quản lý thuế

Theo Tạp chí Thuế

Kết thúc năm 2012, Dự án hợp tác kỹ thuật giữa ngành Thuế Việt Nam với tổ chức JICA (Nhật Bản) về “Cải cách quản lý hành chính thuế” giai đoạn 3 đã đi được non nửa chặng đường. Quãng thời gian đó, các chuyên gia của JICA, trong đó có cá nhân ông Nakagawa Yoshiyuki với tư cách chuyên gia tư vấn trưởng của dự án, đã dành cho ngành Thuế Việt Nam sự hỗ trợ quý báu để cơ quan Thuế nước sở tại có thêm nhiều kinh nghiệm triển khai cải cách thuế thành công.

Xin ông cho biết, các kết quả mà giai đoạn 3 Dự án hợp tác kỹ thuật về “Cải cách quản lý hành chính thuế” đã đạt được cho đến thời điểm này? 
 
 Chuyên gia tư vấn JICA: Sẽ mang tới Việt Nam nhiều kinh nghiệm quản lý thuế  - Ảnh 1
Ông Nakagawa Yoshiyuki - Chuyên gia tư vấn trưởng của Dự án hợp tác kỹ thuật giữa ngành Thuế Việt Nam với tổ chức JICA
Nội dung của giai đoạn 3 Dự án hợp tác kỹ thuật về “Cải cách quản lý hành chính thuế” có 2 mục tiêu. Thứ nhất là, phát triển hệ thống đại lý thuế và tăng cường hợp tác giữa cơ quan Thuế và đại lý thuế. Thứ hai là, tập trung vào mảng thuế quốc tế, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực làm về thuế quốc tế. 
 
Trong vòng 1 năm 3 tháng, kể từ tháng 10/2011, dự án đã tổ chức được 2 khóa học cho cán bộ Thuế Việt Nam tại Nhật Bản (mỗi khóa 1 tuần), một khóa học và hội thảo về đại lý thuế và thuế quốc tế. Phối hợp cùng Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức hội thảo về phát triển đại lý thuế. 
 
Về phía cá nhân, kể từ khi bắt đầu dự án, là chuyên gia tư vấn trưởng tôi đã theo sát từng bước triển khai của cả hai phía, JICA và Tổng cục Thuế Việt Nam. Thông qua những hoạt động này, dự án đã cung cấp cho cơ quan Thuế Việt Nam rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích mà Nhật Bản đã tích lũy được. 
 
Cụ thể là, sau hơn một năm nghiên cứu sửa đổi cơ chế về quản lý đại lý thuế. Trong năm 2012, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 117/2012/TT-BTC. Trong quá trình sửa đổi, Tổng cục Thuế đã tham khảo kinh nghiệm thông qua các khóa học tại Nhật Bản và bài giảng của chuyên gia ngắn hạn mà dự án mời sang Việt Nam, cũng như những kiến nghị và đề xuất của nhóm chuyên gia tư vấn Jica. Với việc ban hành thông tư này, vai trò quản lý đại lý thuế  đã được chuyển giao từ Tổng cục Thuế  sang các Cục Thuế, tạo cơ hội cho cán bộ quản lý ở địa phương tiếp cận được với các đại lý thuế để có mối quan hệ gần gũi hơn. Điểm này tuy nhỏ, nhưng là bước đầu tiên vô cùng quan trọng để phát triển hệ thống đại lý thuế ở Việt Nam.
 
Về mảng thuế quốc tế, ngoài kiến thức chung, chúng tôi cố gắng cung cấp chương trình giảng dạy thuế quốc tế, cũng như cách thức kết hợp chương trình này với các tài liệu thực tế sử dụng ở Nhật, để Tổng cục Thuế có thể xây dựng khóa học về thuế quốc tế hoàn chỉnh cho Trường Nghiệp vụ thuế.  
 
Từ thực tế kinh nghiệm của mình, theo ông, cơ quan Thuế Việt Nam cần phải làm gì để các nội dung cải cách thuế sớm phát huy hiệu quả trong quản lý?
 
Để thay đổi cách nghĩ cũng như thói quen của cán bộ Thuế và người nộp thuế, thì phải mất một khoảng thời gian dài. Nhật Bản đã phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được kết quả trong cải cách thuế như hiện nay. Nếu bạn chỉ nhìn vào tình hình hiện tại với những thay đổi rất nhỏ, thì không thể nhận ra hiệu quả của quá trình cải cách. Tuy nhiên, tôi đã chứng kiến ở Nhật Bản, bằng việc tích lũy những nỗ lực nhỏ nhưng liên tục, một ngày nào đó mọi thứ sẽ bắt đầu thay đổi và chẳng bao lâu, chúng ta có thể thấy được kết quả của quá trình cải cách rất rõ ràng.
 
Ở Việt Nam cũng vậy, hiện giờ chúng ta chưa thể thấy kết quả nào đáng kể và rõ ràng. Nhưng nếu tiếp tục cố gắng hết sức mình trong những công việc hàng ngày, thì chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn và nhanh chóng trong tương lai gần.
 
Theo đúng tiến độ thì đến quý III/2014, dự án sẽ kết thúc giai đoạn 3, vậy những đề mục nào sẽ được JICA tiếp tục triển khai trong thời gian còn lại để hoàn tất dự án. Sau giai đoạn này, việc hợp tác với ngành Thuế Việt Nam của JICA có thêm những chương trình, kế hoạch nào nữa không?
 
Thời gian tới, để phát triển hệ thống đại lý thuế, chúng tôi muốn giới thiệu kiến thức cũng như kinh nghiệm của Nhật Bản một cách chi tiết hơn. Ngoài ra, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước ở châu á có hệ thống đại lý thuế rất phát triển, để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm sửa đổi bổ sung khung pháp lý cho đại lý thuế một cách tổng thể và mạnh mẽ trong tương lai.
 
Về thuế quốc tế, dự án sẽ tiếp tục giới thiệu tài liệu, sách giáo khoa, phương pháp và kiến thức cần thiết cho việc chuẩn bị xây dựng các khóa học, cũng như thông tin về giảng viên, để từ đó ngành Thuế Việt Nam có thể bắt đầu những khóa đào tạo thí điểm. Từ tháng 1 đến tháng 3/2013, chúng tôi sẽ mời 3 giáo sư chuyên về thuế quốc tế của Trường Đại học thuế Nhật Bản sang Việt Nam và tổ chức 3 hội nghị chuyên đề cho các cán bộ của Tổng cục Thuế.
 
Để tiếp tục hợp tác sau giai đoạn 3 của dự án, thì Tổng cục Thuế Việt Nam phải gửi yêu cầu lên Văn phòng JICA Việt Nam những chương trình hợp tác, được xem là nội dung chính của giai đoạn 4. 
 
Nhân dịp đầu năm mới 2013, ông có chia sẻ gì với những đồng nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia dự án và ngành Thuế Việt Nam?
 
Tôi mong muốn sẽ làm cho các hoạt động của dự án ngày càng thiết thực hơn nữa vào năm 2013 và hướng những hoạt động đó tới những kết quả vững chắc và thực chất hơn. Vì vậy, tôi muốn thảo luận với các thành viên của dự án một cách chủ động, trên tinh thần xây dựng về cách tận dụng cũng như sử dụng kiến thức để xây dựng các hệ thống và chính sách của Việt Nam.
 
Tôi mong muốn 42.000 đồng nghiệp làm trong cơ quan Thuế Việt Nam hiểu vai trò quan trọng của đại lý thuế trong quản lý hành chính thuế, để hỗ trợ các đại lý thuế tốt hơn nữa trong các công việc hàng ngày. Điều này chắc chắn sẽ giúp phát triển không chỉ hệ thống đại lý thuế, mà còn rất hữu ích cho công tác quản lý thuế của Việt Nam. Được như thế thì dự án của chúng tôi cũng sẽ thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn ông!