Có thể quản lý được thuế đối với thương mại điện tử?

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Sự ra đời và bùng nổ của kinh tế số nói chung, thương mại điện tử nói riêng, không chỉ là thách thức đối với ngành Thuế, mà còn là sự đau đầu của nhiều ngành chức năng khác. Vấn đề đặt ra hiện nay, đó là có giải pháp nào để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử?

Ngành Thuế đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp tối ưu để quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Ảnh: NM.
Ngành Thuế đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp tối ưu để quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Ảnh: NM.

Sự vào cuộc tích cực, chủ động của cơ quan thuế

Những năm gần đây, trên phương diện thuế, các cộng đồng kinh tế quốc tế và các định chế tài chính quốc tế như OECD, WB, IMF đã có nhiều nghiên cứu và đề xuất về chính sách và quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Tuy nhiên, đó sẽ là “vấn đề còn phải bàn trong tương lai xa” về một chính sách thuế chung đối với thương mại điện tử.

Vì dù là kinh tế số hay thương mại điện tử, ngoài các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất hoàn toàn trên cơ sở “điện tử”, thì một khối lượng lớn hàng hóa và dịch vụ vẫn gắn với kinh tế thực. Nói khác đi, việc phát triển các ứng dụng kỹ thuật số chỉ là phương tiện để thực hiện các giao dịch kinh tế thực nhanh hơn với chi phí ít hơn.

“Bitcoin”, suy cho cùng cũng được sinh ra để thực hiện chức năng thanh toán; taxi công nghệ cũng phải gắn liền với những chiếc ô tô và các bác tài. Trên khía cạnh này, trong lĩnh vực thuế chưa hẳn cần phải có ngay các chính sách hay biện pháp riêng đối với thương mại điện tử; mà trong khi chờ đợi, với các biện pháp truyền thống với các sửa đổi linh hoạt thì không phải ngành Thuế bị bó tay.

Một minh chứng cho thấy, hiện nay khi các doanh nghiệp du lịch, khách sạn Việt Nam hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài để họ nhận các tour du lịch, hoặc đặt phòng tại Việt Nam cho khách nước ngoài và trả phí hoa hồng, tất cả khoản phí hoa hồng đó phải chịu thuế tại Việt Nam.

Mặt khác để quản lý thuế đối với hoạt động bán hàng qua mạng đang nở rộ hiện nay, trong thời gian qua, ngành Thuế, nhất là cục thuế tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã tích cực và triển khai nhiều biện pháp hiệu lực để đưa các giao dịch bán hàng qua mạng vào hệ thống quản lý thuế.

Việc Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh và Cục Thuế TP.Hà Nội tiến hành rà soát, yêu cầu các chủ tài khoản Facebook có hoạt động bán hàng, quảng cáo sản phẩm phải đăng ký thuế vừa qua đã cho thấy, cơ quan thuế đã nhận thức được vấn đề, cũng như có những giải pháp để quản lý thuế trong lĩnh vực này. Kết quả là hàng nghìn tài khoản Facebook đã chủ động liên lạc với cơ quan thuế để làm thủ tục đăng ký, kê khai thuế. Dù kết quả chưa được như mong đợi, nhưng ít nhất cũng đã làm thay đổi nhận thức của cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng, đó là đã kinh doanh, bán hàng là phải nộp thuế.

Cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan

Mặc dù cơ quan thuế đã rất tích cực, chủ động, có những kết quả ban đầu trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, tuy nhiên, nếu chỉ riêng ngành Thuế làm, với các biện pháp kiểm tra tại chỗ, hoặc kêu gọi tự nguyện của các chủ cửa hàng sẽ tốn nhiều công sức khi các cửa hàng này nằm ở mọi “hang cùng ngõ hẻm” trên địa bàn.

Ở đây, vấn đề phối hợp “chỉ đạo và thực hiện” của chính quyền địa phương, cụ thể là chính quyền phường sẽ rất thiết thực. Tương tự như cuộc chiến “giành lại vỉa hè” sẽ rất tốn kém và không bền vững nếu không có sự vào cuộc của chính quyền phường xã.

Tuy nhiên, cũng có một biện pháp rất căn cơ và bền vững, đó là yêu cầu tất cả các chủ trang mạng bán hàng phải công khai mã số thuế trên trang mạng. Đây là một yêu cầu hoàn toàn hợp lý, không vi phạm quyền tự do kinh doanh hay tạo thêm các gánh nặng hành chính cho người bán hàng online hay nhà cung cấp dịch vụ mạng.

Đơn giản chỉ cần có một cơ chế, hoặc một quy định bắt buộc để sao cho tất cả các trang bán hàng trên mạng phải thông báo mã số thuế cùng với địa chỉ doanh nghiệp. Từ chối đồng nghĩa với kinh doanh trốn thuế. Đây là điều mà một số nước trên thế giới đã làm và thành công.