Cục Thuế Ninh Bình: Đẩy mạnh cải cách, quyết tâm thu thuế đạt ‘đích’

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2017, Cục Thuế Ninh Bình đã và đang thực hiện hàng loạt các biện pháp, từ hiện đại hóa quản lý thu, chống thất thu, công tác thanh tra, kiểm tra thuế… cho đến cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương cán bộ công chức..

Với tất cả những nỗ lực, cố gắng của mình, ngành Thuế Ninh Bình tin tưởng sẽ đem lại sự thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Với tất cả những nỗ lực, cố gắng của mình, ngành Thuế Ninh Bình tin tưởng sẽ đem lại sự thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Nam Thắng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Bình xung quanh câu chuyên này, cũng như những chuyển động của ngành Thuế Cố đô sau một năm ông nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Thuế tại địa phương.

* PV: Trước hết, xin ông cho biết về kết quả thu ngân sách của Cục Thuế Ninh Bình từ đầu năm đến nay?

- Ông Đinh Nam Thắng: Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) phấn đấu năm 2017 được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao cho Cục Thuế tỉnh Ninh Bình thu nội địa là: 6.050 tỷ đồng; trong đó thu từ thuế phí, lệ phí và thu khác ngân sách: 4.562 tỷ đồng, (tăng 30% so với dự toán đầu năm); thu tiền sử dụng đất: 1.400 tỷ đồng, (tăng 133% so với dự toán pháp lệnh).

Theo đó, sau 10 tháng đầu năm 2017, công tác thu ngân sách luôn được Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, do vậy toàn tỉnh  đã thu được trên 5.800 tỷ đồng, đạt 97% dự toán pháp lệnh, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa được trên 3.700 tỷ đồng, đạt 85% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt trên 694 tỷ đồng, vượt 16% dự toán. Điều này sẽ tạo đà cho công tác thu NSNN những tháng cuối năm đạt mức hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu được giao.

Với chỉ tiêu phấn đấu mà Tổng cục Thuế và HĐND tỉnh đã giao đã giao, nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Thuế Ninh Bình những tháng còn lại của năm 2017 là rất lớn. Lãnh đạo ngành Thuế xác định: đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, là mục tiêu mới mà CBCC ngành Thuế phải nỗ lực, phấn đấu vươn tới. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN năm nay, Cục Thuế tỉnh đã và đang thực hiện hàng loạt các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, trong đó có giải pháp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người nộp thuế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đôn đốc, thu hồi nợ thuế, tiến hành đầy đủ các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Phấn đấu đến 31/12/2017 giảm số nợ thuế còn dưới 5% trên tổng số thu. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhưng dù khó khăn thế nào thì toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế Ninh Bình cũng sẽ đoàn kết, nỗ lực phấn đấu một cách cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm thu NSNN đã được Bộ Tài chính, UBND tỉnh giao.

* PV: Với kết quả thu ngân sách đạt được như trên, xin ông cho biết một số đánh giá cơ bản về những thuận lợi, cũng như những khó khăn trong hoạt động quản lý công tác thuế của ngành Thuế Ninh Bình?

- Ông Đinh Nam Thắng: Thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2017 của ngành Thuế Ninh Bình có nhiều thuận lợi cơ bản, đó là: Công tác thuế luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Với trách nhiệm chính trị, từ nhiều năm qua, các cấp uỷ và chính quyền địa phương đã luôn xác định công tác thu ngân sách không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Thuế mà còn là nhiệm vụ trọng tâm của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Cùng với đó, Cục Thuế đã luôn tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế; chủ động phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, các ngành hữu quan trong công tác thuế. Đồng thời, mọi cán bộ công chức ngành Thuế Ninh Bình cũng tạo dựng cùng nhau đồng tâm đoàn kết, nhất trí, không ngừng phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu NSNN.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản là kinh tế trong tỉnh có những chuyển biến tích cực, thì vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến công tác thu, nộp ngân sách. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số nguồn thu, sắc thuế có tiến độ thu đến nay đạt thấp, nguyên nhân là do một số ngành sản xuất có số nộp lớn nhưng sản lượng sản xuất giảm, sản phẩm tiêu thụ chậm so với cùng kỳ, như: gạch đất nung, đạt 86 triệu viên, giảm 25%; xi măng và clanhke đạt 4.660 nghìn tấn, giảm 5%; thép các loại đạt 110 nghìn tấn, giảm 6,4%... Một số doanh nghiệp trọng điểm sản phẩm tồn kho cao, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, cho nên số thuế phát sinh còn thấp…

* PV: Trong thời gian qua, ngành Thuế cả nước đã tập trung thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế, xin ông cho biết về tình hình và kết quả triển khai công tác này ở Ninh Bình như thế nào?

 - Ông Đinh Nam Thắng: Cục Thuế Ninh Bình đã đề ra các mức phấn đấu cụ thể trong việc giải quyết các TTHC thuế và xem đây là thước đo để đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính. Chẳng hạn, theo quy định, thời hạn tối đa đăng ký thuế là 3 ngày, nhưng Cục Thuế Ninh Bình đã đặt chỉ tiêu phấn đấu rút xuống tối đa không quá 2 ngày; hoàn thuế trước kiểm tra sau quy định 6 ngày, giảm xuống tối đa không quá 4 ngày; kiểm tra trước hoàn thuế sau 40 ngày, giảm xuống 30 ngày; xác định nghĩa vụ nộp thuế 5 ngày, giảm xuống 3 ngày; gia hạn nộp hồ sơ khai thuế 10 ngày, giảm xuống 7 ngày; hướng dẫn chính sách thuế bằng văn bản 10 ngày, giảm xuống 7 ngày;  công tác kiểm tra thuế 5 ngày, thanh tra thuế 15 ngày, phấn đấu không phải gia hạn thêm thời gian thanh tra, kiểm tra…

Đồng thời, Cục Thuế yêu cầu các phòng thuộc cơ quan cục, các chi cục khi tiếp nhận hồ sơ TTHC từ  người nộp thuế (NNT) phải chỉ đạo giải quyết ngay; trường hợp chưa đầy đủ thủ tục hoặc cần thiết điều chỉnh, bổ sung số liệu, hồ sơ thì hướng dẫn một lần, hoặc làm thông báo gửi NNT, tuyệt đối tránh việc NNT bổ sung hồ sơ nhiều lần hay có đầy đủ thủ tục mà không được giải quyết.

Cùng với đó, cơ quan thuế đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt dự án hiện đại hóa thu nộp ngân sách. Hướng dẫn, hỗ trợ cho NNT ứng dụng tốt công nghệ thông tin và đã có hàng nghìn doanh nghiệp thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế điện tử, với số thuế đã nộp hàng trăm tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 100%, tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 98%. Từ đó đã giảm số giờ nộp thuế từ hơn 500 giờ xuống còn 117 giờ như hiện nay.

Ngoài ra, cơ quan Thuế thường xuyên tuyên truyền các chính sách thuế mới, hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc thông qua đường dây nóng, cung cấp văn bản, chính sách thuế mới cho hàng nghìn lượt NNT trên địa bàn qua trang website ninhbinh.gdt.gov.vn.

Cục Thuế tỉnh đang tiếp tục vận động các đơn vị hành chính sự nghiệp khai, nộp thuế điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý và vận hành tốt các ứng dụng phục vụ tốt công tác quản lý thuế trên mọi mặt. Tổ chức thực hiện các nội dung về thuế điện tử như: hóa đơn điện tử; kê khai và nộp thuế qua mạng đối với khoản thu từ đất, lệ phí trước bạ và thuế hộ kinh doanh; ứng dụng trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, cơ quan tài chính; cơ quan tài nguyên môi trường; hoàn thuế GTGT qua mạng...

Với tất cả những nỗ lực, cố gắng của cơ quan thuế trong công tác cải cách TTHC đã và đang được triển khai, chúng tôi tin tưởng sẽ đem lại sự thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đưa thời gian làm thủ tục về thuế đạt mức trung bình trong ASEAN 4.

* PV: Quản lý thu thuế phải vừa chặt chẽ, công bằng, minh bạch để đảm bảo thu đúng, thu đủ, nhưng cũng phải vừa thực hiện góp sức hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu. Ông chia sẻ thế nào về vấn đề này?

- Ông Đinh Nam Thắng: Có thể thấy rằng, nhiệm vụ thu ngân sách mà cơ quan thuế thực hiện không chỉ có sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác thuế, mà quan trọng là phải có được sự chung tay đóng góp của người nộp thuế.

Thực tế trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao ý thức tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh và ngày càng thực hiện tốt hơn các chính sách thuế. Đây chính là một thành công lớn, một sự chuyển biến tích cực từ việc thực hiện nghiêm chỉnh và ngày càng hiệu quả hơn những chính sách và chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ trong công tác thuế.

Để đảm bảo thu đúng, thu đủ nguồn thu cho NSNN thì nhiệm vụ của chúng tôi là phải vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, phục vụ tốt nhất NNT tự giác thực hiện việc kê khai, nộp thuế, đồng thời cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo tính công bằng về nghĩa vụ thuế, quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế. 

Bên cạnh đó, để góp sức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bản thân cơ quan thuế trong thời gian qua đã triển khai thực hiện nhiều các giải pháp, đáp ứng định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính thuế như trên tôi đã đề cập.

Hiện nay, để thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, với mục tiêu cụ thể là có 10.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, để nuôi dưỡng nguồn thu, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Theo đó, Cục Thuế Ninh Bình đã thực hiện triển khai nhiều giải pháp, từ việc đã triển khai dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ ninhbinh.gdt.gov.vn để giúp NNT có thể cập nhật các nội dung hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp, như: Các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, các thủ tục hành chính liên quan; hướng dẫn về khai thuế, nộp thuế… cho đến việc chỉ dẫn trực tiếp các chính sách thuế liên quan.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Ninh Bình cũng quán triệt rằng: không chỉ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa công tác thuế, bản thân mỗi cán bộ, công chức phải nỗ lực khắc phục những yếu kém, tổn tại; chú trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật cho mỗi CBCC trong việc ứng xử với NNT phù hợp với tình hình mới, thời kỳ cơ quan thuế coi NNT là khách hàng quan trọng nhất mà cơ quan thuế là người phục vụ. Cán bộ, công chức thuế đoàn kết cùng nhau xây dựng hình ảnh, uy tín với những ấn tượng tốt đẹp về giá trị văn hóa đặc trưng của cơ quan thuế. Thực hiện tốt Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.