Cục Thuế Ninh Thuận: Đốc thúc xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn

Xác định công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế có vai trò quan trọng trong công tác thu ngân sách, vì vậy, Cục Thuế Ninh Thuận đặt mục tiêu phấn đấu thu đạt 97% tiền nợ thuế đến và trên 90 ngày; xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý.

 Cục Thuế Ninh Thuận tập trung rà soát các khoản nợ qua đó đề ra các giải pháp thu đúng, thu đủ vào ngân sách. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cục Thuế Ninh Thuận tập trung rà soát các khoản nợ qua đó đề ra các giải pháp thu đúng, thu đủ vào ngân sách. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Thu hồi 209 tỷ đồng tiền nợ thuế

Trao đổi với phóng viên về công tác thu hồi nợ thuế, ông Đoàn Hạnh Phúc - Phó cục trưởng Cục Thuế Ninh Thuận cho biết, nhờ tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thu nợ, bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã xử lý đôn đốc thu đạt 209 tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong đó, thu nợ năm 2017 chuyển sang đạt 48,7 tỷ đồng; thu nợ phát sinh năm 2018 đạt 160,3 tỷ đồng.

Đạt được kết quả nêu trên, đại diện Cục Thuế Ninh Thuận cho biết, đơn vị luôn tập trung rà soát, phân loại các khoản nợ theo đúng quy trình quản lý nợ thuế. Tăng cường phối hợp với các đơn vị như: Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, ban quản lý các dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư... trong việc cung cấp thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, chuyển hồ sơ đối với những doanh nghiệp (DN) chây ỳ, nợ đọng thuế kéo dài sang cơ quan có thẩm quyền xử lý như: Kiến nghị thu hồi dự án; thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh..., nhờ đó, công tác thu nợ đã đạt được nhiều kết quả khá quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, công tác thu hồi nợ thuế trên địa bàn còn khá nhiều khó khăn, phức tạp. Hầu hết các DN còn nợ thuế đều đang gặp khó khăn về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) kém hiệu quả... Số DN khó khăn tập trung ở các lĩnh vực trọng điểm như: Xây dựng cơ bản, tư vấn thiết kế; khai thác khoáng sản, SXKD vật liệu xây dựng…

Cùng với đó, một số khoản thu mới về cấp quyền khai thác khoáng sản có số tiền phải nộp tăng cao, DN chưa đi vào hoạt động khai thác do chưa giải phóng và giao mặt bằng khai thác, dân tranh chấp… nhưng vẫn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm cho DN càng khó khăn hơn về tài chính nên chưa thể nộp thuế đúng hạn, dẫn đến nợ thuế. "Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 33 DN khai thác khoáng sản nợ lên đến 173,8 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản", ông Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp mỗi ngày một tăng lên.

Gia hạn nộp thuế cho một số doanh nghiệp

Trao đổi thêm về tình hình nợ thuế, Phó cục trưởng Đoàn Hạnh Phúc cho biết, tính đến nay, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý là 384 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 173,8 tỷ đồng; nợ được gia hạn là 58,8 tỷ đồng; nợ khó thu là 64,3 tỷ đồng.

Nếu loại trừ các yếu tố nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nợ được gia hạn; nợ khó thu thì tổng nợ do Cục Thuế Ninh Thuận quản lý là 87 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,2% trên tổng thu ngân sách, thấp hơn 0,8% so với chỉ tiêu 5% Tổng cục Thuế giao. Tuy nhiên, nếu không loại trừ các yếu tố nêu trên thì tỷ lệ nợ thuế trên địa bàn đang ở mức 6,5%.

Đánh giá chi tiết về nguyên nhân các khoản nợ, ông Phúc cho biết, các DN được cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa khai thác được do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, không có nước khai thác… để xử lý vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản gửi Tổng cục Khai thác khoáng sản Việt Nam đề nghị gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến hết năm 2018.

Một số DN khác được đề nghị gia hạn nộp tiền khai thác khoáng sản dẫn đến nợ thuế là: Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Ninh Thuận là 53,3 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng An Khánh - Ninh Thuận là 19,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Hoàng Khang Phan Rang là 12,5 tỷ đồng; Công ty CP Vinaminco - Ninh Thuận là 13,2 tỷ đồng… Cùng với đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhưng chưa được giải ngân vốn đầu tư nên cũng dẫn đến nợ thuế.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác thu nợ, ông Phúc cho biết, đơn vị đang tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu, xử lý thuế nợ đọng theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.

Tiếp tục tham mưu với UBND các cấp thành lập các đoàn đôn đốc thu, giảm tiền thuế nợ đọng. Kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các DN có nợ thuế nhưng chây ỳ không nộp thuế nợ. Tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý.

Tổ chức giám sát chặt chẽ, thường xuyên liên tục tình hình nợ thuế, thu nợ, tiến độ áp dụng thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế từng DN, tiến độ thu nợ từng ngày, từng tuần để đôn đốc đánh giá hiệu quả công việc của từng công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vào các DN nợ đọng lớn, kéo dài.