Cục thuế TP. Hà Nội: Mạnh tay với nợ thuế

PV.

Nợ đọng thuế, việc xử lý đối tượng nợ thuế là vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại Kỳ họp thứ 2, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, vấn đề này đã được đặt ra với lãnh đạo Cục thuế Hà Nội và lãnh đạo Công an TP.Hà Nội

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Theo báo cáo của Cục thuế TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục thuế đã ban hành hơn 8.000 lượt thông báo tiền nợ thuế và tiền chậm nộp. Đồng thời, ban hành gần 7.000 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với hơn 4.000 doanh nghiệp với số tiền nợ trên 4.500 tỷ đồng.

Cùng với đó,Cục thuế Thành phố đã cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với hơn 1.000 doanh nghiệp với số tiền nợ trên 2.300 tỷ đồng; thực hiện công khai 6 đợt danh sách của 807 đơn vị nợ tiền thuế phí, tiền thuê đất với tổng số nợ là hơn 1.700 tỷ đồng.

Kết quả là 6 tháng đã thu được 7.433 tỷ đồng nợ thuế, trong đó tiền nợ thuế phí là 3.287 tỷ đồng, nợ liên quan đến đất là 4.146 tỷ đồng.

Có được kết quả trên, Cục thuế TP.Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, Cục Thuế TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ thu nợ cho từng phòng, từng đội thuế, thậm chí đến từng cán bộ thuế.

Đặc biệt, đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình, đặc biệt tập trung vào các đối tượng có số nợ lớn, các khoản nợ có khả năng thu.

Thực hiện, rà soát, phân loại chính xác số nợ theo từng tiêu chí, xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ phận để phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thu nợ thuế…

Ngoài ra, tổ Công tác liên ngành đã làm việc trực tiếp tại 11 dự án nợ tiền sử dụng đất để yêu cầu các đơn vị nộp ngay số tiền nợ đọng vào ngân sách nhà nước.

Qua đó, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị dẫn đến việc chậm nộp các khoản nợ thuế, từ đó phối hợp với liên ngành để kiến nghị UBND thành phố có các giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, tình hình chây ỳ, nợ đọng thuế vẫn diễn biến phức tạp. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh- Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, trong năm 2015, Cục thuế đã chuyển 15 vụ sang cơ quan công an. Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đây là những đơn vị chây ỳ, nợ thuế với số lượng lớn, có hiện tượng bỏ trốn.

Sang năm 2016 có 2 công ty nợ đến 31 tỷ đồng cũng có dấu hiệu bỏ trốn. Liên quan đến tổng nợ thuế, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tổng số thuế mà doanh nghiệp bỏ trốn là 36 tỷ, số nợ là 1.551 tỷ đồng, các doanh nghiệp phá sản là hơn 2.000 doanh nghiệp.

Số liệu lớn này là từ năm 2006 đến giờ chứ không phải chỉ 1- 2 năm trở lại đây. Việc quản lý nợ bất cập như vậy vì có nhiều khoản khó thu thậm chí là không thu được vì đơn vị bỏ trốn.

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương- Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, tình hình nợ thuế, trốn thuế trên địa bàn diễn ra rất phức tạp. Nguyên nhân là do hệ thống luật chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để doanh nghiệp coi đây là cơ hội để trốn thuế, trong khi đó một số đơn vị chức năng quản lý chưa chặt chẽ.

Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, quy trình xác minh giám định thiệt hại của cơ quan Công an cũng gặp một số vướng mắc như: chuyên gia giám định, kinh phí giám định và thời gian. Trong 6 tháng đầu năm, Công an thành phố đã chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đề nghị truy tố 2 vụ trốn thuế.

Trong những tháng cuối năm 2016 và thời gian tới, Cục thuế TP.Hà Nội xác định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đôn đốc, thu hiệu quả các khoản thuế nợ đọng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là với cơ quan công an xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, cố tình chây ỳ, nợ thuế…

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục thuế TP. Hà Nội đã ban hành hơn 8.000 lượt thông báo tiền nợ thuế và tiền chậm nộp, ban hành gần 7.000 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với hơn 4.000 doanh nghiệp với số tiền nợ trên 4.500 tỷ đồng.