Doanh nghiệp 'mất điểm' vì nợ thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thời gian gần đây, cơ quan thuế các cấp đã tiếp tục công bố danh sách hàng trăm doanh nghiệp nợ thuế, với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Việc công khai danh sách DN nợ thuế là giải pháp đúng và hiệu quả.
Việc công khai danh sách DN nợ thuế là giải pháp đúng và hiệu quả.

Việc công bố công khai các doanh nghiệp (DN) nợ thuế góp phần thể hiện tính công khai, minh bạch, công bằng trong công tác quản lý thuế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN chấp hành tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN). 

Hàng trăm tỷ đồng nợ thuế

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Cục Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như công khai trên trang website của Cục Thuế 11 đợt, với 1.569 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất, với tổng số tiền nợ hơn 2.550 tỷ đồng. Mới đây nhất, trong đợt công bố công khai lần thứ 11 năm 2016, Cục Thuế TP. Hà Nội đã công bố danh sách 156 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số tiền nợ 150,3 tỷ đồng; trong đó có 143 DN nợ thuế, phí 121,9 tỷ đồng và 13 đơn vị nợ tiền thuê đất 28,3 tỷ đồng. Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Quang Minh nợ 79,4 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Điện tử công nghiệp Việt Nam nợ 74,6 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư phát triển kỹ nghệ và xây dựng Việt Nam nợ 43,6 tỷ đồng…

Bình luận về nguyên nhân các DN nợ thuế, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, áp lực cạnh tranh giữa các DN rất lớn. Nhiều DN chưa có những chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, hiệu quả nên sức bán hàng kém, khả năng thanh khoản thấp, thậm chí hoạt động kinh doanh thua lỗ. Do đó, các DN phải đối mặt với sức ép vay nợ lớn, sức ép từ việc phải xoay sở dòng tiền để đầu tư và duy trì cho hoạt động của DN... nên DN không có được nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đáng lưu ý hơn là tình trạng một số DN bằng cách này cách khác cố tình chây ỳ việc nộp thuế gây ảnh hưởng đến công tác thu NSNN. “Vẫn còn một bộ phận DN ý thức thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế chưa cao dẫn đến tình trạng nợ thuế lớn, nợ kéo dài. Thậm chí, có tình trạng nhiều DN không hẳn là hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn không có tiền nộp thuế, mà DN tính toán họ sẽ được lợi rất nhiều nếu đem khoản tiền phải đóng thuế gửi vào ngân hàng lấy lãi, sau đó trích một phần lãi đóng tiền phạt nộp thuế chậm cho cơ quan thuế” – ông Hiếu nói.

Ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp 

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì việc DN nợ thuế cũng ảnh hưởng phần nào đến uy tín, thương hiệu của DN, theo đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. “Uy tín, thương hiệu của DN được tạo dựng không chỉ từ những yếu tố như chất lượng sản phẩm, dịch vụ DN cung cấp; những dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng… mà người tiêu dùng còn đánh giá DN thông qua việc chấp hành thực hiện những chính sách, quy định của Nhà nước, trong đó có pháp luật về thuế” –  ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận xét trên, từ góc độ DN, bà Hà Thị Vinh – Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh cũng cho rằng, trên thực tế, những DN luôn thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành việc nộp thuế… thường có những kết quả kinh doanh khả quan. “Cùng với việc “bêu tên” các DN chậm nộp thuế, nợ thuế, cơ quan thuế hàng năm cũng có những hoạt động tuyên dương, biểu dương những DN thực hiện nộp thuế tốt. Những sự ghi nhận về ý thức tuân thủ pháp luật thuế của các cơ quan chức năng chính là cách để DN “ghi điểm” với người tiêu dùng, từ đó khả năng bán hàng của DN sẽ cao hơn” - bà Vinh chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy, việc công khai danh sách DN nợ thuế là giải pháp đúng và hiệu quả. Bởi, sau khi đã công bố, có không ít các DN nợ thuế đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách nhà nước hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế. 

“Việc Cục Thuế Hà Nội công khai danh sách các đơn vị nợ thuế được thực hiện đều đặn hàng tháng đã góp phần thể hiện tính công khai, minh bạch, công bằng trong công tác quản lý thuế, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng DN. Công khai thông tin nợ thuế không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách thu được tiền nợ thuế, mà còn minh bạch hóa môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân khác” - ông Mai Sơn nhấn mạnh.