Doanh nghiệp nhà nước vẫn là đầu tàu đóng góp vào ngân sách

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngày 13/10, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam, Báo Vietnamnet và Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế đã chính thức công bố Bảng xếp hạng V1000 – 1000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2016 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho ngân sách.

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp 60% tổng số thuế TNDN của V1000
Doanh nghiệp nhà nước đóng góp 60% tổng số thuế TNDN của V1000

Doanh nghiệp nhà nước đóng góp 60% tổng số thuế Thu nhập doanh nghiệp của V1000

Số liệu thống kê của bảng xếp hạng năm nay cho thấy, tổng số thuế mà các doanh nghiệp (DN) V1000 đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 11,87% so với tổng số thuế của bảng xếp hạng năm 2015 và chiếm khoảng 10,41% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015... Trong đó, Top 100 DN đứng đầu đã đóng góp  gần 75% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) toàn bảng xếp hạng. 

Theo bảng xếp hạng này, top 10 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2016 là: 

1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

2. Tập đoàn Viễn thông Quân đội

3. Tổng công ty Khí Việt Nam 

4. Công ty Honda Việt Nam

5. Công ty CP Sữa Việt Nam

6. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

7. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 

8. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 

9. Tổng công ty Viễn thông Mobifone 

10. Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP)

Top 10 năm nay ghi nhận sự hiện diện diện của 3 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietinbank, Vietcombank. Bảng xếp hạng V1000 năm 2016 cũng lần đầu tiên ghi nhận một DN tư nhân, Vinamilk, đứng trong Top 5. Một số tên tuổi quen thuộc có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước nhiều năm qua như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng Công ty khí Việt Nam, Công ty Honda Vietnam,….tiếp tục duy trì được vị trí trong Top các DN đầu của Bảng xếp hạng V1000 năm 2016.

Khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn luôn là nguồn lực chủ yếu được ghi nhận đóng góp lớn vào nguồn ngân sách quốc gia. Trong bảng xếp hạng V1000 năm 2016, các DNNN đóng góp gần 60% tổng số thuế TNDN của toàn bảng xếp hạng, tăng lên mức đáng kể so với tỉ lệ 45% của năm 2015. 

Khối DN tư nhân có khởi sắc nhẹ với tỷ lệ đóng góp là 27%, đáng ghi nhận sự có mặt của DN tư nhân trong Top 5 DN đầu bảng (Vinamilk), và theo đánh giá, sự góp mặt của các DN tư nhân trong Top 10 của bảng xếp hạng V1000 trong các năm tới là điều hoàn toàn khả thi. 

Xét theo ngành, số DN khoáng sản, xăng dầu tuy không nhiều nhưng lại đóng góp đến 30% tỷ trọng đóng thuế của ngân sách quốc gia. Đứng vị trí thứ hai là ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin với mức tỉ trọng đạt 15% và tiếp theo là ngành tài chính với 11%. Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản mặc dù có số DN chiếm nhiều nhất trong Bảng xếp hạng nhưng tỷ trọng đóng góp chỉ ở mức 8% trong tổng số thuế đóng góp của bảng xếp hạng. 

88% doanh nghiệp đánh giá quản lý thuế có chuyển biến tích cực 

Ngoài số liệu thống kê, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam cũng đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của đại diện các DN V1000 trong 5 năm trở lại đây về những nỗ lực cải cách của ngành thuế trong thời gian vừa qua. Theo đó, những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ về chính sách thuế và các thủ tục hành chính thuế đã tạo ra những bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý thuế. Có đến 88% DN đánh giá từ tích cực đến khá tích cực về sự chuyển biến của pháp luật thuế trong khoảng thời gian này và chỉ có 1% DN phản hồi có phần tiêu cực. Các chính sách, văn bản nhà nước đưa ra trong hạng mục thuế đã thuyết phục được số đông các DN về tiến trình cải cách thuế.

So với năm 2015, đánh giá của các DN đối với hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam đã có phần khả quan hơn. Nếu như trong năm 2015, có tới 61% số DN mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định của hệ thống thuế thì đến nay, con số đã đảo ngược lại khi 65% DN phản hồi rằng hệ thống thuế đã đạt tới mức tương đối ổn, không cần điều chỉnh nhiều hoặc nếu có thì chỉ cần điều chỉnh chút ít. Chất lượng thông tin của các văn bản liên quan đến thuế đã tiếp cận trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 vừa qua cũng được 75% DN đánh giá là sẵn có, dễ tìm, hỗ trợ cho DN hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài đánh giá chung về pháp luật ngành thuế, khảo sát các DN V1000 cũng tìm hiểu đánh giá của DN về 8 sắc thuế có liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Theo đó, có tương ứng 25% và 23% DN quan tâm đến vấn đề thuế thu nhập cá nhân và thuế TNDN và cho rằng, hai loại thuế này còn cần phải điều chỉnh nhiều.

Tuy nhiên, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN, năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh, sắp tới các chính sách thuế mới được Bộ Tài chính đưa ra về ưu đãi các loại thuế, nhất là thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có hiệu lực, được mong đợi sẽ tạo lợi thế và tháo gỡ khó khăn cho DN trên sân chơi nước nhà. 

Bên cạnh đó, trong năm 2015, các DN vẫn gặp phải một số vấn đề vướng mắc chủ yếu sau liên quan đến thuế, bao gồm các quy định pháp luật, chính sách thuế, với 56% số DN lựa chọn ý kiến này; thủ tục hành chính phức tạp (36%); các vấn đề kê khai thuế qua mạng (23%), biểu mẫu rườm rà (20%), quá trình thanh, kiểm tra (17%).

Kết quả trên cho thấy, quy định về pháp luật, chính sách thuế không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn là mối bận tâm của DN và để giải quyết được ổn thỏa vấn đề này, Chính phủ và cơ quan thuế cần có một quá trình dài và liên tục. Đây cũng là mục tiêu và đích đến của quá trình cải cách thuế của toàn bộ hệ thống, nhằm mục tiêu tạo động lực cho DN.