Đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế

Theo baohaiquan.vn

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, ngành Thuế luôn coi trọng công tác thanh, kiểm tra, góp phần giảm số thuế nợ, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

DN làm thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế.
DN làm thủ tục tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế.

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế, tính đến 31/3, tổng số tiền thuế nợ của 63 Cục Thuế là 75.803 tỷ đồng, tăng 1.659 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó: Tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 49.514 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 12.596 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 36.918 tỷ đồng).

Cụ thể: Nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất là 31.112 tỷ đồng; Tiền phạt và tiền chậm nộp là 18.402 tỷ đồng. Trong số tiền thuế nợ có khả năng thu nêu trên có 10.013 tỷ đồng (nợ thuế phí 7.353 tỷ đồng; nợ đất là 2.660 tỷ đồng), trên thực tế không có khả năng thu hồi nhưng chưa đảm bảo điều kiện hồ sơ để phân loại vào nhóm nợ không có khả năng thu. Như vậy, số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) không kể tiền phạt và tiền chậm nộp, thực tế chỉ còn khoảng 21.317 tỷ đồng, trong đó nợ thuế phí là 13.496 tỷ đồng, nợ các khoản thu từ đất là 7.821 tỷ đồng.

Qua thống kê cho thấy, tỷ trọng tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng nợ đã giảm mạnh từ năm 2014 chiếm tỷ trọng 81,1%, năm 2005 giảm xuống 74,7%, năm 2016 chỉ còn 65,7% và đến quý I/2017 giảm xuống còn 65,3%. Trong đó đặc biệt là tỷ trọng nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất năm 2014 là 66,8%, năm 2015 là 50,6%, năm 2016 là 41,4%, thì đến quý 1 năm 2017 giảm xuống chỉ còn 41%.

Có 38/63 địa phương có số tiền thuế nợ thuế, phí đến 90 ngày và trên 90 ngày tăng so với thời điểm 31/12/2016, trong đó TP. HCM, TP. Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Trà Vinh, Kiên Giang, Long An, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Nam, Nghệ An, Bắc Ninh...

Về tình hình thu nợ thuế của năm 2016 chuyển sang năm 2017, tính đến 31/3/2017, toàn ngành Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 13.986 tỷ đồng tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2016 chuyển sang năm 2017, đạt tỷ lệ 27,9% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2016. Trong đó: Thu bằng biện pháp đôn đốc nợ là 12.026 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 1.960 tỷ đồng. Trong đó, TP. Hà Nội thu đạt 3.390 tỷ đồng, TP. HCM thu đạt 2.676 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm, ngành Thuế đã tăng cường thanh, kiểm tra thu hồi về ngân sách. Tính đến 28/4/2017, toàn ngành (bao gồm Tổng cục Thuế và 63 Cục thuế) đã thanh tra, kiểm tra đối với 13.890 doanh nghiệp; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 5.166,42 tỷ đồng; tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.866,64 tỷ đồng. Qua kiểm tra rà soát các hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã phát hiện nhiều sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế để điều chỉnh tăng số thuế kê khai hoặc ấn định thuế.

Về kết quả thực hiện các kiến nghị kiểm toán ngân sách nhà nước (NSNN), đối với niên độ 2014 thực hiện đôn đốc nộp vào ngân sách 6.880,4 tỷ đồng. Đối với niên độ 2015 thực hiện đôn đốc nộp vào ngân sách 5.631 tỷ đồng.

Được biết, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2017 cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó tổng số tiền nợ tại thời điểm 31/12/2017 không vượt quá 5% so với tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2017. Trên cơ sở các chỉ tiêu thu tiền nợ thuế năm 2017 đã giao nêu trên, Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2017 và chỉ đạo các phòng được giao nhiệm vụ quản lý nợ và các Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế.

Để thu hồi hiệu quả nợ thuế về ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo cơ quan Thuế thực hiện các biện pháp kiên quyết thu nợ thuế góp phần giảm số tiền thuế nợ, tăng thu cho NSNN. Việc công khai thông tin người nợ thuế; tăng cường thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật sẽ được cơ quan Thuế triển khai, góp phần thu đúng, thu đủ vào ngân sách.